Nhà vật lý Việt Nam thành đạt tại Nhật Bản

 

Bên cạnh nghiên cứu cấu trúc hạt nhân nguyên tử, Nguyễn Đình Đăng còn là một hoạ sĩ hoàn hảo

 

Bài của EDAN CORKILL


ký giả thường trực của Japan Times


đăng tại Japan Times ngày 8/12/2009

Nguyễn Đình Đăng dịch

 

Xử lý các con số: nhà vật lý hạt nhân Nguyễn Đình Đăng

trong phòng làm việc tại RIKEN, thành phố Wako, tỉnh Saitama.

Ảnh: Edan Corkill

 

Nguyễn Đình Đăng không lựa chọn Nhật Bản nhiều bằng nước Nhật đã chọn anh. Nhà vật lý hạt nhân người Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô đồng thời là hoạ sĩ đến sống tại đây vào năm 1995 theo lời mời của RIKEN – viện nghiên cứu khoa học và công nghệ một phần được tài trợ bởi nhà nước.

“Đầu tiên tôi được mời tới Đại học Tổng hợp Tokyo 10 tháng vào năm 1994 theo tiến cử của thầy cũ của tôi tại Đại học Tổng hợp Maxcơva, rồi sau đó năm 1995 tôi được mời tới RIKEN,” Đăng giải thích. Từ đó anh làm việc tại cơ sở của RIKEN tại Wako thuộc tỉnh Saitama, lúc đầu như một research fellow, sau đó trở thành nhà nghiên cứu theo hợp đồng (contract researcher).

Đăng sống tại Wako cùng với vợ người Việt Nam và, cho tới gần đây, con trai, hiện là sinh viên đại học tại Hoa Kỳ. Anh có cái nhìn tích cực về mọi mặt của cuộc sống tại đây, ví dụ như độ tin cậy của hệ thống hành chính quan liêu -  “Nếu họ nói việc gì đó sẽ được giải quyết trong một tuần thì sẽ đúng là trong một tuần” – và mức chăm sóc tại các bệnh viện công cộng. “Khi vợ tôi có lần phải nhập viện, sự phục vụ tốt tới mức mà vợ tôi tưởng mình là bệnh nhân duy nhất của bệnh viện,” anh nói.

Nếu những điều này nghe có vẻ như những ưu đãi nhỏ, tưởng cũng nên nhớ tới những hình mẫu anh dùng để so sánh nước Nhật ngày hôm nay: đó là Việt Nam trong và sau chiến tranh, và Liên Xô.

Đăng sinh năm 1958 tại Hà Nội, có nghĩa là anh và gia đình anh ở về phía của Bắc Việt, tức là cộng sản, trong giai đoạn họ gọi là “kháng chiến chống Mỹ”, được biết đến tại phương Tây dưới cái tên Chiến tranh Việt Nam.

Vào giữa thập niên 1960 Đăng và gia đình phải đi sơ tán về nông thôn.

“Không có đánh nhau trên mặt đất ớ miền Bắc, song có các trận oanh tạc từ trên không,” anh giải thích. “Tôi nhớ có đêm tôi đã nhìn thấy cả chân trời phía Hà Nội đỏ rực vì lửa cháy.”

Tuy phải xa thành phố, Đăng vẫn tiếp tục đi học và sống bình thường, dù bị mất điện.

Anh nhớ lại chính thầy giáo dạy nhạc của anh đã bảo anh rằng, đối với anh, con đường duy nhất để tự phát triển là đi ra ngoại quốc. Anh đã quyết đạt mục tiêu này bằng cách duy nhất có thể: đó là giành điểm cao nhất  trong khi học phổ thông và nhờ đó đoạt học bổng đi học đại học ở nước ngoài trong khối cộng sản.

“Tôi là một trong những học sinh đạt điểm cao nhất cả nước,” Đăng nhớ lại.

Thế là vào mùa thu năm 1976 anh cùng hàng trăm học sinh Việt Nam trẻ tuổi và sáng dạ khác đã đáp chuyến tàu đặc biệt, trải qua một hành trình dài hai tuần lễ xuyên qua Trung Quốc, Mông Cổ, Siberia để tới Maxcơva. Hành trang của anh gồm một va-li đựng một bộ com-lê, một đôi giầy và một cái áo len cổ lọ – tất cả do nhà nước Việt Nam cấp.

“Chúng tôi chẳng có gì cả vì không có tiền,” Đăng vừa cười vừa nhớ lại. “Họ cho chúng tôi lựa chọn giữa cái áo len màu xanh và màu da cam.”

Đăng bắt đầu thành công vào cuối thập niên 1970. So với đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh mà anh đã để lại phía sau, Maxcơva là miền đất hứa. “Maxcơva thật đẹp và sạch, có nhiều toà nhà cao tầng. Có thể mua được hàng hoá trong các cửa hiệu,” anh nói.

Mê vẽ từ nhỏ, Đăng lao vào hội họa và dùng phần lớn thời giờ rảnh để ngồi trước giá vẽ.

Sau khi đậu bằng tiến sĩ vật lý hạt nhân, anh trở vè Việt Nam vào năm 1985. Anh lập gia đình, sinh con trai, rồi quay lại Maxcơva vào năm 1987 để hoàn tất học vị Tiến sĩ Khoa học – bằng cấp cao nhất của hệ thống đào tạo hàn lâm Liên Xô.

Trong lần thứ hai này, anh được thấy sự tan rã của chế độ Xô Viết. Các cửa hàng tại Maxcơva bây giờ trống trơn như Hà Nội trước đó một thập niên.

Quay lại Việt nam vào năm 1990, Đăng vào làm việc tại viện Khoa học Kỹ thuật Hạt nhân, và sau đó 4 năm anh được mời sang Nhật Bản.

Nhà khoa học này nói anh chưa từng làm việc ở đâu có trang bị tốt như ở RIKEN. Nhiệm vụ của anh hiện nay là nghiên cứu cấu trúc của hạt nhân nguyên tử, một trong những thách thức then chốt của vật lý.

“Cơ bản mà nói, mục tiêu là nhằm tìm hiểu vũ trụ này đã được hình thành như thế nào,” anh nói.

Đăng thêm khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật vào vốn tiếng Việt, Nga, và Pháp của anh, song anh nói các nhà nghiên cứu Nhật Bản tại RIKEN nói tiếng Anh tốt. “Ở đây cũng có nhiều người ngoại quốc làm việc”, anh nói thêm.

Lúc rảnh rỗi, Đăng tiếp tục vẽ. Năm 2003 một bức tranh của anh được nhận bày tại triển lãm của hội mỹ thuật tư nhân mang tên hội Chủ Thể. Đăng lập lại kỳ công này vào năm 2004, và tới năm 2005 hội này đã phong tặng anh danh hiệu “hội viên”, một vinh dự thường đòi hỏi hàng thập niên mới đạt được.

Thế hệ mới: Trong bức tranh "Ngày trưởng thành", vẽ năm 2008,

Nguyễn Đình Đăng diễn tả con trai mình

trước ngày lên đường sang Hoa Kỳ học đại học

 

Tranh của Đăng mang phong cách Siêu thực. Anh thích thể hiện cuộc sống hay ý nghĩ của mình bằng cách hoà trộn các vật thể khác nhau mang tính tượng trưng vào các phong cảnh mộng mị. Trong một bức tranh anh vẽ một kẻ đầu trâu đang bịt miệng một người đàn ông, nhằm diễn tả sự thiếu tự do biểu hiện trên đất nước quê hương anh.

“Nhật Bản hay ở chỗ anh có thể vẽ, về cơ bản mà nói, bất cứ cái gì,” Đăng nói. “Ở Hà Nội ngay cả tổ chức triển lãm cũng phải xin phép chính quyền.”

Tương tự như thế, cách nhìn của anh lên xã hội Nhật Bản nói chung được hình thành từ những trải nghiệm anh từng gặp ở những nơi khác. Ở Liên Xô ai cũng có vẻ như tức tối và nghi ngờ, anh nói, vì thế anh cảm kích trước sự lịch thiệp của người Nhật.

“Những người Mỹ có thể nói rằng họ không cần người ấn nút thang máy cho họ tại các cửa hàng bách hoá. Nhưng ở Nhật đó là bộ mặt của sự phục vụ thượng lưu, một cách để cửa hàng biểu thị lòng kính trọng đối với các khách hàng của mình,” anh giải thích.

Có thể Nhật Bản đúng là nước đã chọn Nguyễn Đình Đăng, qua lời mời làm việc ban đầu của RIKEN, song trải qua 14 năm nhà khoa học kiêm hoạ sĩ người Việt Nam đã tìm được nhiều lý do để chọn ở lại nơi đây.

 

Nguyễn Đình Đăng sẽ mở triển lãm cá nhân tranh của mình vào tháng Tư tại Fazioli Piano Showroom gần bến metro Tamachi ở Tokyo. Đón xem chi tiết tại www.fazioli.co.jp

 

Japan Times, thứ Ba ngày 8//12/2009

 

Dịch từ nguyên văn tiếng Anh Edan Corkill, “Vietnamese physicist thrives in Japan”,
Japan Times, mục “Who’s Who”, Dec. 8, 2009.

 

Bản tiếng Việt © 2009 Nguyễn Đình Đăng