Triển lãm cá nhân của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng tại Nhật: Những tưởng tượng siêu thực Việt Nam

Tranh của Nguyễn Đình Đăng là những mạch kể kết nối các đề tài lịch sử và thần thoại Việt Nam với những hồi ức về gia đình và đồng bào của ông...

Nằm trong toà nhà chọc trời Caretta Shiodome ở Tokyo (Nhật Bản), ở độ cao 200m cách mặt đất, nhà hàng BiCE xứ Milan đã trở nên nổi tiếng không chỉ bởi món thăn bò tẩm bột rán rưới sốt chanh, mà còn là nơi hội tụ của nghệ thuật đương đại...

 

(Từ phải sang) Vợ họa sĩ Nguyễn Đình Đăng, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng,
ông Angelo Visigalli - giám đốc đại diện của BiCE Tokyo
và một vị khách chụp tại tiệc khai mạc triển lãm tranh
của Nguyễn Đình Đăng tại BiCE Tokyo

T ngày 9/10, tại đây đã diễn ra cuộc triển lãm tranh “Khoái lạc của trí tưởng tượng” trưng bày 22 tác phẩm sơn dầu vẽ từ năm 1995 đến 2005 của Nguyễn Đình Đăng - một họa sĩ tự học người Việt Nam đồng thời là một nhà vật lý với hai bằng tiến sĩ, hiện sống và làm việc tại Nhật Bản.

Sinh năm 1958 tại Hà Nội, chỉ vài năm sau, Nguyễn Đình Đăng đã bắt đầu cầm bút vẽ. Năng khiếu trời phú cộng với niềm say mê của một đứa trẻ đã đúc kết nên tác phẩm tranh sơn dầu đầu tiên phác họa một người phụ nữ châu Âu trên mảnh vải bao tải đựng gạo!

Trong thời gian là sinh viên tại Nga, Nguyễn Đình Đăng đã khám phá ra các tác phẩm của các họa sĩ trường phái Ấn tượng và Hậu ấn tượng. Trở về Việt Nam năm 1985, ông kết hợp việc nghiên cứu các kỹ thuật vẽ sơn dầu của các danh họa cổ điển với niềm hứng thú mới về nghệ thuật Siêu thực mà ông theo đuổi cho đến tận bây giờ. Đó là một phong cách phù hợp với sự chú trọng của Nguyễn Đình Đăng đến hình họa hiện thực và tranh khỏa thân, một đề tài bị cấm kỵ trong hội họa Việt Nam từ 1945 đến khoảng đầu những năm 80. Tranh của Nguyễn Đình Đăng kết nối các đề tài lịch sử và thần thoại Việt Nam với những hồi ức về gia đình và đồng bào của ông.

Triển lãm mở cửa miễn phí từ 09/10 đến 09/12/2005 tại nhà hàng BiCE xứ Milan, tầng 47 Caretta Shiodome, 1-8-1 Higashi Shimbashi, quận Minato, Tokyo. Giờ mở cửa: 11g30 đến 15g30 và 17g30 đến 23g30 (thứ Hai đến thứ Sáu); 11g30 đến 15g30 và 17g đến 23g30 (thứ Bảy và Chủ nhật).

(Theo  The Japan Times)