© http://www.talawas.org/     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
30.11.2005
Đoàn Tiểu Long
Từ chuyện “Phó giáo sư” lan man sang SEA Games
 
Tôi đồng ý với Nguyễn Văn rằng có lẽ tác giả bài báo về Phan Thị Hà Dương không có ý coi thường độc giả (biết là sai mà cứ viết vì nghĩ không ai biết), mà đơn giản là hiểu sai chức danh đó. Nhưng ám chỉ như Hoa Nguyen (nếu tôi hiểu đúng ý mấy thành ngữ mà Hoa Nguyen dẫn ra), thì e rằng nặng lời quá. Đang từ có công (đưa sự vật về đúng chỗ của nó), thoắt cái Nguyễn Đình Đăng đã biến thành kẻ Đông phương tiểu nhân!

Giả dụ, nếu như đó là bài báo viết về giáo sư Phan Đình Diệu, trong đó có đả động tý chút tới con gái của giáo sư đang làm Maitre de Conférences, kèm chú giải “Phó giáo sư”, thì đây có thể coi là một sự hiểu lầm nho nhỏ. Khi đó công việc của Nguyễn Đình Đăng đúng là vạch lá tìm sâu, bới bèo ra bọ. Tuy nhiên đây lại là một bài báo nhằm tôn vinh, ca tụng cái kỳ tích “một cô gái mới 26 tuổi đã vượt qua hàng trăm ứng viên sừng sỏ để được phong học hàm Phó giáo sư ở một trường đại học danh tiếng bên Pháp”, nên nó mới thành chuyện, chứ không hẳn “trái núi đẻ ra con chuột”. Nếu tác giả Hoàng Lê biết rằng Hà Dương được tuyển dụng làm giảng viên, coi như bậc khởi điểm trong các chức danh đại học, chứ không phải được phong học hàm Phó giáo sư – nghe oai hơn nhiều trong tâm thức người Việt vốn chuộng danh -, thì có lẽ đã không xuất hiện bài báo đầy rẫy mỹ từ đó. Vì thế báo Tuổi Trẻ không thể làm một động tác đơn giản - sửa “Phó giáo sư” thành “giảng viên, trợ lý giáo sư”- như Hoa Nguyen nghĩ, bởi việc một cô gái được tuyển dụng làm giảng viên đại học thì có gì đặc biệt lắm đâu mà phải ca tụng lên mây xanh như thế! Chỉ có cách xoá bỏ bài báo.

Vụ này một lần nữa cho thấy một tính cách không hay của dân ta, đó là hay ca tụng quá đà những thành tựu nhỏ nhoi của mình, theo kiểu “cầu bé con con, gọi là cầu Bố; Vài cây lố nhố, phong là Rừng Thông”. Nó là một dạng của cái mà Đinh Từ Thức gọi là “bệnh anh hùng”. Được mấy chiếc huy chương vàng thi Olympic toán, vậy là báo chí làm um sùm, cho rằng người Việt Nam giỏi toán cỡ nhất nhì thế giới. Có được một vài nghệ sĩ tài năng như Đặng Thái Sơn, Tôn Nữ Nguyệt Minh, vậy là cho rằng người Việt giỏi âm nhạc chẳng kém gì ai (khi đến thăm Việt Nam, được hỏi có biết Đặng Thái Sơn không, Richard Clayderman nói không biết, vì ĐTS không có tên trong danh sách 100 nghệ sĩ piano hàng đầu thế giới, khiến báo giới Việt Nam rất thất vọng về tầm hiểu biết hạn hẹp của R. Clayderman). Hôm qua tình cờ đọc trong cuốn Bản sắc văn hoá Việt Nam của nhà nghiên cứu Phan Ngọc thấy có đoạn: “Thấy đánh chiếm Việt Nam quá dễ dàng, thực dân Pháp đã mắc sai lầm khi quên rằng dân tộc Việt Nam là dân tộc có truyền thống yêu nước nhất thế giới”! Lại nhất thế giới! Tôi rất ngạc nhiên khi đọc đoạn đó, vì thấy Phan Ngọc thường không có lối suy nghĩ như thế.

Mấy hôm nay trên báo chí Việt Nam tràn ngập những lời lẽ tâng bốc thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 23 lên mây xanh: nào là cô gái vàng, chàng trai vàng, đội tuyển vàng, ngày vàng của thể thao Việt Nam, cơn mưa vàng v.v… Trong khi ai cũng biết SEA Games chỉ là một sân chơi hết sức nhỏ nhoi, vùng trũng nhất của thể thao thế giới, và có lẽ cũng thiếu fair nhất! Huy chương vàng ở đây hầu như chẳng có ý nghĩa gì, thế mà người ta thèm khát đến phát điên, thèm khát chứ không phải khao khát, nhất là tấm huy chương vàng bóng đá nam. Hãy xem cách xử sự của khán giả Việt Nam trong trận chung kết bóng đá nam tại SEA Games 22 cách đây 2 năm: đội nhà thua Thái Lan, vậy là chỉ vài phút sau tiếng còi chung cuộc sân Mỹ Đình đã trống hoác trống huơ, còn trơ lại cầu thủ hai đội lên nhận huy chương với nhau trong bầu không khí vắng lặng như bãi tha ma! Một sự thiếu văn hoá đến cùng cực của những người luôn tự xưng là “những cổ động viên tuyệt vời nhất”!

Dĩ nhiên để tiến xa hơn trên đấu trường châu lục và thế giới thì trước tiên phải đạt thành tích cao tại khu vực. Nhưng có nên vui mừng quá mức khi được chiếc huy chương vàng bé tẹo đó? Một dân tộc tỉnh táo phải hiểu rằng đây chỉ là mức xà thấp nhất cần vượt qua, chứ chưa hề là thành tích, kỳ tích gì hết. Có vui thì vui chút chút thôi. Hoặc tốt hơn nữa thì khiêm nhường như các nhân vật võ lâm: “Tôi tài hèn sức mọn, chạy như rùa thọt, chẳng qua nhờ các bạn nhường cho nửa bước nên mới về nhất, mong được chỉ giáo thêm!”. Chứ nếu mới được cái huy chương vàng tầm tiểu khu vực mà đã sung sướng phát cuồng lên như thế, rồi dương dương tự đắc, thì khó mà tiến xa được.