© http://www.talawas.org/     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
2.12.2005
Đoàn Tiểu Long
  1. Dĩ nhiên bạn H.L. chẳng thể tìm thấy nguyên văn câu "một cô gái mới 26 tuổi đã vượt qua hàng trăm ứng viên sừng sỏ để được phong học hàm PGS ở một trường đại học danh tiếng bên Pháp", vì đó không phải lời tác giả Hoàng Lê, mà là ấn tượng của tôi (và có lẽ của nhiều người khác) sau khi đọc bài báo đó.
     
    Ngay cái tên của bài báo đã khiến ta ấn tượng: “Nữ Phó giáo sư tuổi 26”; “Một phụ nữ 26 tuổi đoạt học hàm Phó giáo sư” (Thanh Niên Online). Và lời giới thiệu của VietNamNet: “Rời bỏ vị trí Phó giáo sư của một trường Đại học nổi tiếng của Pháp”. Nó rất khác với những cái tít chung chung kiểu như “Hiện tượng Ngô Bảo Châu”, “Lê Tự Quốc Thắng - cây toán xuất sắc của thế giới” hay “Nguyễn Hữu Đức - một ngoại lệ xuất sắc”. Tiếp đó trong bài báo ta gặp một loạt các mỹ từ kiểu như “rất xuất sắc, đứng đầu, vị trí số 1, đặc cách, hy hữu” v.v… Một loạt các cụm từ khác như “người phụ nữ trẻ nhất đạt thành tích này”, “tin chị trúng tuyển vị trí Phó Giáo sư tại trường này gây bất ngờ lớn” “việc này rất căng thẳng và họ soi rất kỹ các hồ sơ” v.v... khiến người đọc nghĩ rằng việc được tuyển làm Phó giáo sư là thành tích đáng chú ý nhất của nhân vật trong bài.
     
    Còn đoạn: “50 đến 100, thậm chí 200 hồ sơ, đa phần là những người đã có bằng postdoc (sau tiến sĩ) hoặc có kinh nghiệm giảng dạy hợp đồng nhiều năm. Năm nay… có tới 100 đơn… hầu hết những người lớn tuổi và kinh nghiệm hơn mình ” khiến người đọc có ấn tượng là Hà Dương đã “vượt qua hàng trăm ứng viên sừng sỏ”. Viết “hàng trăm” thì đúng là phóng đại thật, lẽ ra chỉ nên viết “cả trăm”.
     
    Đối với người Việt Nam, chức danh Phó giáo sư oai hơn giảng viên nhiều. Khi viết "việc một cô gái được tuyển dụng làm giảng viên đại học thì có gì đặc biệt lắm đâu mà phải ca tụng lên mây xanh như thế" là tôi muốn nói tới tâm lý chung của người đọc. Nếu như bài báo đó đổi tên thành “Nữ giảng viên tuổi 26”, còn những từ “Phó giáo sư” trong bài đều đổi thành “giảng viên”, hẳn là bài báo sẽ mất đặc sắc đi nhiều lắm, hơn nữa lại trở nên lôm côm. Người đọc có thể nghĩ: Có lẽ chính vì cái chức danh Phó giáo sư mà Hoàng Lê viết bài báo này. Chứ người đi thi Toán quốc tế rồi được nhận làm giảng viên thì thiếu gì. Nếu như Hà Dương không phải Phó giáo sư thì có thể Hoàng Lê cũng vẫn viết về cô, nhưng là một bài báo khác hẳn. Ấy là tôi đoán mò vậy thôi.
     
  2. Về SEA Games: Tôi chẳng có ý kiến gì nếu như chúng ta vui mừng có chừng mực – như H.L. viết - với những thành tích nho nhỏ. Nếu H.L. nghĩ rằng tôi đang ở nước ngoài nên có cái nhìn như thế, thì xin đính chính: tôi đang ở trong nước, và hàng ngày hàng giờ phải đọc, phải nghe những lời lẽ khoa trương, khoác lác về mọi chuyện. Cách đây 2 năm, vào dịp SEA Games 22, khi biết Nhà nước bỏ ra ngót nửa tỷ đô la phục vụ cho SEA Games, tôi thấy phẫn nộ kinh khủng. Tôi phẫn nộ vì biết rằng số tiền khổng lồ đó sẽ chẳng đem lại ích lợi thiết thực gì cho nhân dân Việt Nam, mà chỉ là miếng mồi ngon cho đám quan chức tham nhũng xâu xé. Người ta đã cố tình lập lờ giữa số huy chương với sự phát triển của nền thể thao. Thực ra, không phải những chiếc huy chương (kể cả tầm thế giới, chứ đừng nói gì đến tầm tiểu khu vực), mà sức khoẻ của toàn dân tộc mới là mục tiêu tối thượng của thể thao. Một đất nước dù không đạt được chiếc huy chương nào trong các kỳ thi đấu quốc tế, nhưng bù lại mỗi khu phố, trường học, nhà máy, công ty đều có sân vận động, bể bơi, phòng thể thao, và người dân thì ham thích luyện tập thể thao, xứng đáng được coi là có nền thể thao đích thực hơn nhiều so với những nước tuy giành được nhiều huy chương do tập trung tiền của cho một nhóm nhỏ vận động viên (hoặc gửi nước ngoài đào tạo hộ như cách chúng ta đang làm), còn người dân thì thiếu những phương tiện tập luyện thể thao, chỉ biết tới quán nhậu xem truyền hình bóng đá rồi ra đường đua xe, hò hét mỗi khi đội nhà thắng. Tôi phẫn nộ vì biết rằng sau mấy ngày SEA Games những công trình thể thao đó xuống cấp trầm trọng, và đóng cửa im ỉm, thi thoảng mới hoạt động, trong khi nếu người ta chỉ chịu chi 1/10 số tiền đó thôi thì trẻ em, người dân Việt Nam sẽ có thêm hàng ngàn sân bóng đá, phòng thể thao, bể bơi, chứ không phải chơi bóng ngoài đường phố hay trên những thửa ruộng còn nguyên chân rạ.