© http://www.talawas.org/     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
1.12.2005
H.L.
Vài ý kiến nhỏ...

Xin được có một số ý kiến khi đọc ý kiến của Đoàn Tiểu Long, cũng như về cuộc trao đổi xung quanh bài viết của Hoàng Lê về Phan Thị Hà Dương, và bài phản biện của Nguyễn Đình Đăng.

  1. Chức danh PGS ở Việt Nam có tương đương với MCF (Maitre de Conférences) hay không? Câu hỏi này theo tôi ta hãy để mở. Vì tất cả những thao tác dịch MCF từ tiếng Pháp qua Assistant Prof. hay Associated Prof. (của hệ Mỹ), rồi từ đó dịch ngược về tiếng Việt (PGS), cũng chưa có gì thật thuyết phục. Lý do đơn giản là hệ giáo dục (và hệ thống danh xưng) của Pháp và Mỹ khác nhau.

  2. Nguyễn Đình Đăng đã bỏ thời gian, tra cứu một số nguồn để đưa ra ý kiến rằng tác giả Hoàng Lê sai lầm khi dịch MCF thành PGS - đây là một động thái đáng quý, góp phần rộng đường dư luận trong một đề tài đến nay còn nhiều mù mờ. Tuy nhiên, kết luận bài viết của Hoàng Lê "bóp méo thông tin", "đánh tráo khái niệm", "coi thường người đọc", "coi độc giả là ngu dốt hết cả", "mạ vàng cho hoa huệ" một cách hết sức đao to búa lớn và bức xúc, theo tôi, là một hành động võ đoán.

    Ấy là chưa nói đến việc Nguyễn Đình Đăng còn đưa và mổ xẻ một số vấn đề "ngoại vi" như số công trình nghiên cứu của Phan Thị Hà Dương (chuyện không hề có trong bài viết của Hoàng Lê), hoặc chuyện... ông bạn PGS thứ thiệt ở Nhật Bản... đều là những chuyện ngoài lề và không (hoặc không mấy) liên quan đến vấn đề đang bàn!

  3. Đoàn Tiểu Long viết: "Giả dụ, nếu như đó là bài báo viết về GS Phan Đình Diệu, trong đó có đả động tý chút tới con gái của GS đang làm Maitre de Conférences, kèm chú giải "Phó giáo sư", thì đây có thể coi là một sự hiểu lầm nho nhỏ. Khi đó công việc của Nguyễn Đình Đăng đúng là vạch lá tìm sâu, bới bèo ra bọ. Tuy nhiên đây lại là một bài báo nhằm tôn vinh, ca tụng cái kỳ tích "một cô gái mới 26 tuổi đã vượt qua hàng trăm ứng viên sừng sỏ để được phong học hàm PGS ở một trường đại học danh tiếng bên Pháp", nên nó mới thành chuyện, chứ không hẳn "trái núi đẻ ra con chuột".

    Tôi đọc lại nhiều lần bài viết của Hoàng Lê để xem có đoạn trích "hào hùng" mà Đoàn Tiểu Long đã dẫn không? Thì không hề thấy nó! Hoàng Lê luôn dùng từ "trúng tuyển" (khiêm tốn) để chỉ việc Phan Thị Hà Dương được chọn vào vị trí MCF tại Đại học Paris 7. Bài báo có đoạn: "Năm đó, Khoa Tin học, Đại học Paris 7 cần tuyển 3 PGS mà có tới 100 đơn. Và, cô TS trẻ măng đã vượt qua hầu hết những người lớn tuổi và kinh nghiệm hơn mình để xếp ở vị trí số 1". Không thấy văn phong "rầm rộ", "tôn vinh, ca ngợi kỳ tích", "hàng trăm ứng cử viên sừng sỏ", "phong học hàm", "trường đại học danh tiếng"... mà Đoàn Tiểu Long đã dẫn!

    Có lẽ, vì không thật ưa bài báo nên Đoàn Tiểu Long phải cường điệu nó đôi chút để "gây ấn tượng"?

  4. Đoàn Tiểu Long tiếp: "Nếu tác giả Hoàng Lê biết rằng Hà Dương được tuyển dụng làm giảng viên, coi như bậc khởi điểm trong các chức danh đại học, chứ không phải được phong học hàm PGS - nghe oai hơn nhiều trong tâm thức người Việt vốn chuộng danh -, thì có lẽ đã không xuất hiện bài báo đầy rẫy mỹ từ đó. Vì thế báo "Tuổi Trẻ" không thể làm một động tác đơn giản - sửa "Phó giáo sư" thành "giảng viên, trợ lý giáo sư"- như Hoa Nguyen nghĩ, bởi việc một cô gái được tuyển dụng làm giảng viên đại học thì có gì đặc biệt lắm đâu mà phải ca tụng lên mây xanh như thế! Chỉ có cách xóa bỏ bài báo".

    Có lẽ Đoàn Tiểu Long không rành lắm về xuất xứ bài báo này?

    Mùa xuân năm nay, VietNamNet đăng tải một vài bài báo, nhắc đến chuyện những học sinh giỏi toán của Việt Nam xưa kia, giờ ra sao, mà nhiều người nghĩ rằng họ "mất hút"? Kết luận dạo đó, là: thực ra họ không "mất hút", đa số vẫn tiếp tục nghiên cứu và đạt được nhiều kết quả khả quan trong ngành, có điều làm toán không phải... bổ củi (xin mượn ý cụ Tản Đà!), không phô trương, và cũng chưa có "chưa có một cơ quan nào theo dõi những tài năng trẻ đó, để biết rõ họ hiện đang ở đâu, làm gì, đang được sử dụng và đãi ngộ ra sao", nên chúng ta ít biết đến họ đấy thôi. Và loạt bài của VietNamNet mới đây (đã đi được các bài về Vũ Đình Hoà, Phan Thị Hà Dương, Nguyễn Thúc Anh và Ngô Bảo Châu) là để trả lời câu hỏi các học sinh từng "vang bóng một thời" trong các kỳ thi Olympic Toán Quốc tế xưa, giờ ra sao.

    Như vậy, bài báo của Hoàng Lê (tôi không cảm thấy nó có gì quá ầm ĩ, để được coi là "đầy rẫy mỹ từ") ra đời không phải vì cái chức danh PGS ấy, như Đoàn Tiểu Long nghĩ. Nó viết về một học sinh giỏi toán xưa, đạt được một số thành công trong con đường học vấn, nay rời bỏ một vị trí thuận lợi ở nước ngoài để về nước vì những mong ước và lý do cá nhân. Chỉ có vậy! Nếu Phan Thị Hà Dương có không là PGS đi nữa, thì tôi thấy những gì được nhắc đến trong bài báo vẫn vậy, không có gì đáng trách lắm, và bài báo vẫn có thể ra đời, như đã!

    Chuyện "việc một cô gái được tuyển dụng làm giảng viên đại học thì có gì đặc biệt lắm đâu mà phải ca tụng lên mây xanh như thế" thì đây là đánh giá riêng của lời Đoàn Tiểu Long. Có lẽ chỉ những người trong ngành (hẹp) của cô TS này, và am tường việc tuyển chọn vào MCF ở các đại học Pháp, mới có thể đưa ra nhận định xác đáng trong việc này.

    Có điều, nếu đúng như bài báo khẳng định - Phan Thị Hà Dương là phụ nữ Việt trẻ nhất, đồng thời cũng là một trong những TS trẻ nhất ở Pháp làm được điều này - thì tôi nghĩ cũng đáng lấy làm vui, sao lại dè bỉu?

    (Chuyện Tuổi Trẻ Online "chỉ có cách xóa bỏ bài báo", tôi nghĩ ta nên hỏi trực tiếp tờ báo, trước khi "phán". Bản thân tôi, thì tìm thấy bài báo đó tại địa chỉ sau của Tuổi Trẻ Online: http://portal.tuoitre.com.vn/portal/QuickView.aspx?ArticleId=81534.)

  5. Đoạn sau của Đoàn Tiểu Long, khi tác giả liên tưởng: "Vụ này một lần nữa cho thấy một tính cách không hay của dân ta, đó là hay ca tụng quá đà những thành tựu nhỏ nhoi của mình, theo kiểu "cầu bé con con, gọi là cầu Bố; Vài cây lố nhố, phong là Rừng Thông". Nó là một dạng của cái mà Đinh Từ Thức gọi là "bệnh anh hùng"...", tôi xin được đồng ý... một nửa.

    Đúng là nước ta vậy thật, nhưng đó đã phải là căn bệnh trầm kha nhất của ta hay chưa? Chỉ nước ta mới có chuyện như thế?

    Vấn đề ở đây, tôi nghĩ là nên đặt mọi thứ vào vị trí, vào thang giá trị thực của nó. Dân ta hay nhảy từ thái cực nọ sang thái cực kia, cũng không phải cái gi hay ho. Như Phạm Duy từng nói, dĩ nhiên không thể lúc nào cũng là "anh hùng", nhưng không nên là... "anh hèn". "Anh hiền" thì được...

    Tại sao chúng ta không thể vui (một cách chừng mực) với những thành công nho nhỏ của ta?

    Tôi cảm thấy là cũng dần dần qua cái thời mà báo chí "ta" um sùm vô duyên như Đoàn Tiểu Long nói rồi. Mọi thứ dần được đặt vào chân giá trị của nó. Tuyển Olympic Toán của ta thường được xếp vào Top 10 (có lúc Top 5) của thế giới, vậy ta nên mừng (cho các em) chứ? Có ai căn cứ vào thành công (theo tôi là rất đáng kể) của Đặng Thái Sơn, mà khoác lác là "người Việt giỏi âm nhạc chẳng kém gì ai"? Richard Clayderman - một nghệ sĩ chơi nhạc thời thượng, thị hiếu - không biết đến Đặng Thái Sơn, thì đó là cái sự "không biết" của anh ta, đâu ảnh hưởng đến "chân giá trị" của Đặng Thái Sơn? (Tôi chưa được biết "danh sách 100 nghệ sĩ piano hàng đầu thế giới" gồm những ai, mong Đoàn Tiểu Long chỉ bảo!)

    Còn nói về SEA Games thì đúng là ngồi ngoài này, dễ có cảm giác nhà mình "ăn mừng" một cách quá lố. Tôi từng nghĩ hệt như vậy, cho đến dịp về thăm nhà cách đây 2 năm, đúng vào lúc Việt Nam đăng cai SEA Games, mới nhận ra rằng chính cái suy nghĩ của mình mới là... lố. Chớ nghĩ người trong nước họ không biết rằng đây chỉ là một cuộc chơi khu vực, nhiều khi không trong sạch và "tầm vóc" cũng dừng lại ở đó thôi; họ biết có lẽ còn hơn chúng ta (những người ở ngoài này) về điều đó. Có điều, sao lại dè bỉu khi họ vui mừng trước những chiến thắng (dù còn ở tầm nhỏ nhoi) của nền thể thao nước nhà? Qua những thăng trầm của lịch sử, những khổ ải trong đời sống thường nhật, quý lắm những hạnh phúc nho nhỏ trước những thành công "xinh xinh" của đất nước, mang lại chút tự tin (không phải tự tôn) cho một xứ sở đã phải quá tự ti trước bao "ông lớn" ngoại quốc!

    Nói như Đoàn Tiểu Long - "Huy chương vàng ở đây hầu như chẳng có ý nghĩa gì, thế mà người ta thèm khát đến phát điên, thèm khát chứ không phải khao khát, nhất là tấm huy chương vàng bóng đá nam" - tôi cảm thấy đây là sự bỉ thử (kiểu thương hại) các cầu thủ, các cổ động viên và các "fan" thể thao ở Việt Nam, một sự bỉ thử không đáng có đối với họ!

  6. Viết đến đây, mới chợt nhận ra đã quá dài. Phải chăng đây cũng là một "vấn nạn" của người Việt (ở muôn nơi), mà tôi cũng phạm phải, là: ầm ĩ vì một chuyển chẳng ra đâu? Có bé xé ra to?