© http://www.talawas.org/     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
29.11.2005
Hoa Nguyen
Là một độc giả thường thường, đã đọc bài báo của Tuổi Trẻ (TT) và hôm nay đọc bài viết của Nguyễn Đình Đăng trên talawas, tôi thấy mình không bị (TT) coi thường gì cả. Tôi nghĩ ký giả viết bài phóng sự đó không từng theo học ở cấp bậc cao nhất tại các trường đại học ở Mỹ, Pháp hay cả ở Việt Nam (người ta không đòi hỏi ký giả phải bắt buộc như vậy), cho nên cũng như đa số người đọc TT, ký giả bài báo đó có hiểu biết chung chung, tất nhiên không đầy đủ, về hệ thống giáo dục ở cấp cao của các nước tiên tiến như Pháp, Mỹ. Và ngay ở đây chúng ta cũng thấy rõ hệ thống giáo dục của các trường đại học Pháp và Mỹ có vài chỗ không giống nhau, không tương đương, nên dễ gây ra sự nhầm lẫn cho người viết có trình độ hiểu biết chung chung.

Theo tra cứu của ông Nguyễn Đình Đăng thì ở Pháp có chức vụ giáo sư đại học (tôi gọi là giáo sư đại học vì dạy tại đại học) được mang tên là "maitre de conferences". Nhưng theo ông Đăng, ở Mỹ không có cái gì giống như "maitre de conferences" này, mà Mỹ chỉ có assistant professor (dịch ra tiếng Việt là Trợ lý giáo sư) và associate professor (dịch ra tiếng Việt là Phó giáo sư). Theo ông Đăng, ký giả Hoàng Lê đã dùng từ "Phó giáo sư" (hay associate professor) để dịch (hay chỉ) chức vụ "maitre de conferences" của Pháp là "đánh tráo khái niệm". Nhưng chính trong phần tra cứu kỹ lưỡng của ông Đăng trong bài viết thì "maitre de conferences’’ đại loại tương đương với một trợ lý giáo sư (assistant professor)", "không tương đương, mà thực chất là thấp hơn, phó giáo sư (associate professor)", thì người đọc bình thường như tôi thấy ra là chính vì các ý nghĩa "đại loại tương đương" đó mà gây nhầm lẫn. Thông thường , tôi nghĩ "tương đương" không phải là "bằng" (dấu = của một phương trình), để mà hiểu được "maitre de conferences"nằm đâu đó từ "nấc" assistant professor cho đến "nấc" associate professor, nhưng chưa hẳn là chỉ ở một đầu nào của cái khoảng cách đó, là "nấc" nào cố định, vì hệ thống giáo dục ĐH của Pháp và Mỹ khác nhau. Dù sao, sự nhầm lẫm rất dễ xảy ra, dễ để nhiều người (không chuyên môn) cho là "maitre de conferences" nằm ở đầu này hay đầu kia của hai nấc thang đó trong hệ thống GD của Mỹ (từ đó suy diễn ra hệ thống GD của Việt Nam). Đồng ý là ký giả Hoàng Lê đã có sự nhầm lẫn trong cách gọi tên, nhưng cũng rất có thể là do vô tình, do không biết rõ, chứ không chắc là do cố ý "mạ vàng một hoa huệ" dù với ý tốt làm "vẻ vang dân Việt". Cùng lắm là TT đính chính lại cái từ dùng không chính xác về chức vụ này thôi.

Thấy ông Nguyễn Đình Đăng chịu khó tra cứu, bỏ công (mất tới hai ngày) để viết bài này (chỉ về ý nghĩa của maitre de conferences) và thấy ông Đăng rất ưa dùng thành ngữ, nên tôi (gõ bài này chưa tới 15 phút) bắt chước mà nói theo bằng thành ngữ: đây như chuyện "trái núi đẻ ra con chuột" của Tây phương. Hay nói như một thành ngữ của Trung Quốc tôi đọc thấy trong sách của bà Pearl S. Buck là "ai có đầu cao hơn người bình thường thì dễ bị mất đầu" trong cái xã hội đầy ganh tỵ của Đông phương.