© http://www.talawas.org/     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
3.12.2005
Hoàng Dũng
Về bài “Đừng coi thường độc giả” của ông Nguyễn Đình Đăng

Những trí thức theo ngạch nghiên cứu có trình độ ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp ở mức độ sơ đẳng, hẳn đều hiểu Maître de Conférence và Assistant professor ở cấp độ so sánh nào trong thang bậc học vấn của Pháp và Mỹ. Bởi vậy, không cần phải giải thích lại với họ: Assistant có nghĩa là kém Associate, hoặc Maître de Conférence hiểu một cách chân phương, theo đúng từ điển là “giảng viên”. Vấn đề ở đây là 84 triệu đồng bào Việt Nam mà đại đa số họ không phân biệt được “giảng viên” và “phó giáo sư”, cái nào to hơn cái nào. Một số lượng đông đảo sinh viên và trí thức thì hiểu được “phó giáo sư” to hơn “giảng viên”, nhưng lại không rành ngoại ngữ và hệ thống học hàm, học vị ở Pháp và Mỹ.

Thông điệp mà tác giả Hoàng Lê muốn truyền tải với 84 triệu đồng bào là “Cô Dương là một nhà toán học giỏi giang, có trình độ ít ra cũng ngang với các vị phó giáo sư ở Việt Nam”. Và vì lý do đó Hoàng Lê đã dịch khá sát. Tôi không hiểu ông Đăng nghĩ thế nào khi “phát hiện lại chân lý” như trong bài viết của mình? Ông có nghĩ đến hậu quả của bài “cảnh tỉnh” của mình khi 84 triệu đồng bào hiểu rằng: “Cô Dương là một người giỏi toán. Giảng viên là kém Phó giáo sư và vì thế trình độ cô Dương kém các phó giáo sư của Việt Nam”? Hay quả thật ông tin rằng, Maître de Conférence là kém Phó giáo sư của Việt Nam?

Ngoài ra, tôi không tìm thấy bằng chứng nào về việc cô Dương cố tình “tự lừa” trong bài viết của Hoàng Lê. Hình như ông Đăng có phần bất công, khi “phang” tác giả Hoàng Lê, nhưng lại mở đầu bằng hai câu thơ dễ dẫn đến hiểu lầm như vậy.

Xa hơn một chút, tôi muốn bàn về sự uyển chuyển ngôn ngữ khi dịch thuật. Thật buồn cười khi nhiều vị cố gắng lục lọi thật nhiều tài liệu cổ xưa, những từ điển chính thức để chứng tỏ hiểu biết uyên thâm của mình, và chỉ để chứng minh một điều: “cái từ A này theo tài liệu chính thức này, theo ông học giả đáng kính kia phải dịch là B, C, D...”. Tôi chỉ muốn nhắc các vị ấy rằng, ngôn ngữ cũng có những quy tắc nhưng không phải là cứng nhắc và lại càng không phải là khoa học chính xác. Ngôn ngữ liên tục phát triển và các vị học giả đáng kính nói chung không phải là những người phát triển nó, bởi các vị ấy thường quá máy móc, bị lệ thuộc vào vốn hiểu biết của mình. Tôi nghĩ rằng nếu các vị ấy và những cuốn từ điển to sụ luôn luôn chiến thắng thì có lẽ ngày nay dân Mỹ vẫn chỉ hiểu Fall có nghĩa là rơi, ngã… gì đó chứ không mang nghĩa mùa Thu theo sáng tạo của dân nhập cư. Hoặc như từ “ca-ve”, nếu chiểu theo các tài liệu cổ xưa nhất thì chẳng bao giờ nghĩa “gái bán hoa” ra đời… Và các vị dịch giả, nếu như gặp khó khăn khi chuyển ngữ thì hãy nên tuỳ hoàn cảnh và đặc biệt là HÃY NGHĨ ĐẾN ĐỐI TƯỢNG ĐỘC GIẢ CỦA MÌNH LÀ AI để tìm từ ngữ cho phù hợp. Không nên chỉ vì một chút khoe mẽ, một chút hãnh tiến cho riêng mình giữa cộng đồng dịch thuật, mà hi sinh quyền lợi của hàng triệu độc giả kém ngoại ngữ, đang trông cậy vào mình.