© http://www.talawas.org/     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
30.11.2005
Lã Việt
Tôi đồng ý với tác giả Nguyễn Ðình Ðăng về việc báo chí và phương tiện thông tin mạng trong nước thường thổi phồng những danh hiệu khoa bảng một cách quá đáng mà không chịu khó tìm tòi tra cứu một cách kỹ lưỡng. Tôi viết điều này hoàn toàn không có ý định phản bác hoặc xem thường thành tích của những người được nêu tên mà chỉ mong các nhà báo nên thận trọng hơn, chỉ nêu các sự kiện đúng như thực chất của chúng. Sau đây là một vài ví dụ:

Ðài tiếng nói Việt Nam: „Sinh viên xuất sắc nhất của nước Mỹ

Ðài Truyền hình Việt Nam: „Cô sinh viên Việt được vinh danh trên đất Mỹ

Ðài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, tải từ báo Thanh Niên: „Một cô gái Việt Nam được công nhận là sinh viên tiêu biểu tại Mỹ

Các sinh viên này có một điểm chung là đều có tên trong cuốn National Dean's List, một cuốn danh bạ sinh viên học giỏi trên nước Mỹ, và vì thế báo đài trong nước gọi họ là những sinh viên giỏi nhất nước Mỹ. Nếu tìm hiểu kỹ, trường mà các sinh viên này theo học (trong thời điểm họ được đăng báo) là các trường cộng đồng hệ hai năm (community college). Ấy thế mà một trong những bài báo trên còn đăng có cô sinh viên đang theo học năm thứ 3 ngành Quản trị kinh doanh. Trong hệ thống trường hai năm này, nếu học sinh nào đạt được điểm trung bình từ 3.5 - 4.00 (cao nhất là 4.00) trong một niên khoá sẽ được mời ghi danh vào Câu lạc bộ Phi Theta Kappa. Hội này sau đó sẽ cung cấp danh sách hội viên cho tổ chức National Dean's List. Tổ chức này sẽ căn cứ vào đó và gửi thư mời đến các học sinh ghi tên trong cuốn Who's Who hàng năm của họ. Chỉ có điều là nếu đồng ý để có tên mình trong cuốn sách "khoa bảng" này, người được mời phải đóng một khoản tiền. Còn muốn được đăng hình thì phải đóng nhiều hơn nữa. National Dean's Listmột tổ chức tư nhân, kiếm lợi nhuận bằng cách thu lệ phí của những người muốn có tên trong sách của họ. Mỗi năm có khoảng 250.000 cá nhân có tên trong cuốn sách này. Cuốn sách này không nói lên được tất cả vì ta không thể biết có bao nhiêu học sinh đủ tiêu chuẩn trên đã từ chối lời mời của họ.

Những thành tích của các sinh viên Việt Nam trên rất đáng được trân trọng và tự hào. Nhưng gọi họ, những du học sinh lúc ấy chưa hoàn tất chương trình hai năm của những trường cộng đồng, là những sinh viên xuất sắc nhất, tiêu biểu nhất của nước Mỹ, một đất nước với những trường đại học lừng danh như Harvard, Yale, Princeton... thật có là thổi phồng lắm không?