© http://www.talawas.org/     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
29.11.2005
Nguyễn Văn
Sư với sĩ

Rất đồng ý với Nguyễn Đình Đăng về sự nhầm lẫn của một số người viết báo trong nước về chức danh của Phan Thị Hà Dương. Đúng là “Maitre de Conferences” (chức danh của Hà Dương) trong các đại học Pháp có thể không tương đương với “Associate Professor” (Phó giáo sư) trong các đại học bên Mĩ hay Úc.

Nhờ Nguyễn Đình Đăng đưa đường chỉ lối tôi mới tò mò xem qua thành tích khoa học của Phan Thị Hà Dương. Thành thật mà nói, thành tích của chị có vẻ còn rất khiêm tốn, chưa thể tương xứng với thành tích của một phó giáo sư được. Bảy trong số 8 bài báo khoa học chị công bố (cùng với các tác giả khác) có impact factor (hệ số ảnh hưởng dưới) 0,5! Do đó, tôi nghĩ có lẽ chính xác hơn, chức danh của Phan Thị Hà Dương tương đương với Assistant Professor (bên Mĩ) hay Lecturer (Úc và Anh). Mà quả thật như thế, trên trang nhà tiếng Anh của chị có đề rõ ràng là Assistant Professor.

Ở đây tôi muốn bàn thêm đôi điều về cách dịch các chức danh này.

Theo tôi, Assistant Professor không phải là “trợ lí giáo sư”. Dù mang danh là “Assistant” (phụ tá, trợ lí), trong thực tế những người mang chức danh này chẳng làm phụ tá ai cả, mà là những nhà nghiên cứu độc lập, hoàn toàn có tư cách chủ trì các công trình nghiên cứu. Assistant Professorship là một chức danh cấp thứ (junior), hiểu theo nghĩa đẳng cấp khoa bảng thấp nhất trong ba bậc giáo sư (Assistant Professor, Associate Professor, và Professor). Những người với chức danh Assistant Professor là những nhà khoa bảng đang trong giai đoạn củng cố địa vị chuyên môn để chuyển tiếp lên một cấp bậc cao hơn. Tôi biết một số người dù mang chức danh Assistant Professor nhưng có số lượng (hàng trăm) và chất lượng bài báo khoa học (impact factor 5 trở lên) còn hơn cả Professor. Do đó, có lẽ Assistant Professor nên dịch là “Giáo sư dự khuyết”. Thú thật, ngay cả tôi cũng không cảm thấy hài lòng với cụm từ này, nhưng thiết nghĩ tất cả chuyển ngữ về chức danh chỉ là tương đối.

Không phải bất cứ ai vừa tốt nghiệp tiến sĩ là tự động trở thành Assistant Professor. Thông thường, nhất là trong các bộ môn khoa học thực nghiệm, các sinh viên sau khi tốt nghiệp tiến sĩ còn phải tiêu ra ít nhất là 2 năm nghiên cứu hậu tiến sĩ (có khi cả 5 năm) mới đủ thời gian để có thể xin đề bạt vào chức Assistant Professor hay Giáo sư dự khuyết. Tuy nhiên tôi cũng biết trong một số bộ môn “thiếu người” như công nghệ thông tin và y khoa, có người chỉ xong tiến sĩ một năm sau là được đặc cách đề bạt Giáo sư dự khuyết, nhưng con số này không nhiều.

Cũng cần phải ghi nhận rằng các tiêu chuẩn và phẩm chất học hàm thường mang tính địa phương; tức là cũng có sự khác nhau giữa các thời điểm, giữa các nước, và thậm chí giữa các trường đại học trong cùng một nước. Một vị Professor ở Mĩ có thể chỉ được xem tương đương với một Associate Professor ở Pháp, Anh, Úc, và ngược lại. Tương tự, một Assistant Professor ở một trường danh tiếng tại Mĩ có thể trở thành Professor ở Nhật, Hồng Kông hay Singapore.

Người Việt Nam ta nói chung trọng giới khoa bảng và những người có bằng cấp và chức danh. Nhưng tôi có cảm giác sự tôn trọng của số đông dân chúng đã sinh ra tệ nạn khệnh khạng bằng cấp trong giới có học hay có chút chữ nghĩa. Ngày nay, chỉ cần mở một tờ báo trong nước (hay hải ngoại), người ta sẽ phải chóng mặt về những bằng cấp và danh xưng của các vị cử nhân, luật sư, kĩ sư, tiến sĩ, giáo sư, này nọ. Cố nhiên, một số bằng cấp và học hàm này là thật, do chính đương sự đạt được trong quá trình học tập và nghiên cứu, nhưng cũng có một số không ít là những bằng cấp được chuyển ngữ một cách bịp bợm, nhằm lòe đồng hương, hay thậm chí một số học vị và học hàm "dỏm". Thực vậy, có lẽ do nhu cầu kinh tế hay môt lí do nào đó, người có bằng cấp, do vô tình hay cố ý, cũng đã đôi khi lạm dụng bằng cấp của mình và danh xưng. Nhiều trường hợp, người ta quảng cáo là "Giáo sư" một đại học nào đó, nhưng lại cố tình lờ đi thực chất học hàm đó chỉ là một chức danh
dự.

Tuy nhiên, tôi nghĩ họ (những người viết bài báo ca ngợi Hà Dương) không dám xem thường bạn đọc đâu; tôi nghĩ họ chỉ đơn giản không thông hiểu hệ thống học hàm ở các nước Tây phương mà thôi, và vì không hiểu nên bài báo của họ có thể gây nên hiểu lầm đáng tiếc như thế.