© http://www.talawas.org/     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Ý kiến ngắn
1.12.2005
Nguyễn Văn
thu 862
Lại sư với sĩ

Thú thật tôi rất ngại làm cái việc mà có thể mang tiếng là bới móc chuyện người khác, nhưng đọc qua ý kiến của Nguyễn Tiến Anh tôi lại phải nói thêm vài câu cho rõ hơn.

Ở Việt Nam ai cũng biết chức danh Phó giáo sư là tương đương với “Associate Professor” bên Mĩ, và phó giáo sư thì cao hơn giáo sư dự khuyết (tôi tạm dịch cho chức danh “Assistant Professor”) một bậc. Chức danh của Phan Thị Hà Dương là Maitre de Conferences, và trường đã dịch sang tiếng Anh là Assistant Professor. Ấy thế mà bài báo trên VietNamNet nâng chức Hà Dương thành “Phó giáo sư” và ca ngợi quá mức. Đó mới đầu mối của vấn đề mà Nguyễn Đình Đăng nêu lên, và tôi đồng ý với ông ấy.

Tôi cũng đồng ý với Nguyễn Tiến Anh là “Chất lượng bài báo và sự tương đối của số lượng bài báo chỉ có người trong ngành mới thực sự hiểu.” Chính vì thế mà tôi mới tò mò xem người trong ngành đánh giá ra sao qua số lần trích dẫn. Tôi chỉ cần 5 phút đã có mấy con số này nhưng không muốn trình bày ra đây đó thôi. Và, cũng chính qua đánh giá của người trong ngành với những đo lường cụ thể, nên tôi mới dám xin phép không đồng ý với nhận xét rằng “Lý do duy nhất để tôi không thể đánh giá thấp chất lượng của các công trình của cô Hà Dương là cô đã được hội đồng chuyên ngành đánh giá và tuyển vào chức Maitre de Conferences, một chức không hề dễ đạt được ở Pháp, đặc biệt là các trường ở Paris.” Câu này thì tôi nghe quá nhiều lần, nên cứ mỗi lần đọc, tôi không kịp bụm miệng cười được. Ai cũng muốn nghĩ rằng hệ thống giáo dục mình trải qua là ưu việt số 1, đại học mình học là trung tâm giáo dục loại “elite”, bằng cấp và chức vụ mình có là đạt tiêu chuẩn quốc tế và phải phấn đấu dữ lắm mới có được, hay bộ môn mình làm nó đặc biệt lắm không so được với mấy bộ môn khác đâu, v.v… Yếu tố tâm lí tự kỉ trung tâm cả mà. Thế nhưng cái thế giới này nó thú vị lắm: có người cao, kẻ thấp; sĩ sư thì cũng có dăm ba hạng, từ bất tài đến xuất chúng; sinh viên Đại học Paris hay ngay cả Đại học Harvard cũng có lắm người hay và không ít kẻ dở... Bởi vậy người ta mới đặt ra tiêu chuẩn để tiến phong, tạo ra chỉ tiêu để cân đo đong đếm, đề ra đẳng cấp để phân biệt cao thấp. Chứ cứ phát biểu chung chung theo kiểu ad verecundiam (“Ấy, Đại học Paris đã phong thần phong thánh rồi, cậu còn bàn cãi chi nữa?”) thì ai chả nói được. Thế nhưng, rất tiếc là khi những dữ kiện cụ thể được đưa lên cân đo đong đếm một cách khách quan, thì ôi thôi… sự thật không mấy đẹp đẽ như có người mơ tưởng.

Khen ngợi các nhà khoa học trẻ để khuyến khích và làm tấm gương tốt cho sinh viên, học sinh là điều rất nên được khuyến khích. Thế nhưng ca ngợi quá trớn và vượt quá sự thật thì tôi e rằng chỉ đem lại phản tác dụng mà thôi. Để coi, tôi nhớ hình như Khổng Tử có nói đại khái rằng: “Nếu ngôn ngữ dùng không đúng thì những gì được phát biểu sẽ bị hiểu sai; nếu những gì phát biểu bị hiểu sai, thì những gì cần phải làm sẽ không thực hiện được; và những gì không thực hiện được, đạo đức và nghệ thuật sẽ trở nên tồi tệ hơn.” Coi bộ câu này vẫn còn đúng cho ngày nay.