© http://www.talawas.org/     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
3.12.2005
Phạm Tuấn Anh
Bánh mì không là mì sợi
 
Trước khi đưa ra các ý kiến của mình, tôi xin phép được nói rằng trình độ tiếng Pháp của tôi cũng thường thôi. Công việc của tôi đòi hỏi phải làm việc nhiều với các ngôn ngữ Đông Âu, vài thổ ngữ châu Phi, Latin và cổ Hy Lạp và Anh ngữ hơn là Pháp ngữ. Trình độ tiếng Pháp của tôi giới hạn trong một khóa học mùa hè theo hình thức học từ xa qua mạng (téléenseignement) cách đây chừng dăm năm khi tôi còn công tác ở Phi Châu. Biết rằng trong số những người tham gia thảo luận có nhiều bậc chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về Pháp ngữ nên tôi mong các quý vị rộng lòng lượng thứ nếu câu chữ của tôi có điều gì sơ xuất. Tôi xin được cảm ơn trước.
 
Tôi đồng ý với ông Nguyễn Đình Đăng rằng cách dịch maître de conférences (MdC) thành Phó Giáo sư (PGS) là hoàn toàn chưa chính xác. Tôi cũng đồng ý với ông Đăng rằng tác giả bài báo kia đáng ra nên có trách nhiệm hơn với những thông tin mà người đó đưa ra và vì vậy cần kiểm chứng một cách xác đáng trước khi công bố bài báo ra ngoài cho công luận. Những vấn đề khác ông Đăng đưa ra hay giọng văn có phần hơi bỡn cợt của ông, tôi không đặt nặng thành quan điểm yêu ghét và chỉ cho rằng đó là phong cách viết văn riêng của ông, hơi tưng tửng kiểu ông Đỗ Kh. mà thôi.
 
Về các ý kiến phản bác, xin tóm gọn như sau:
 
1. Trách ông Đăng tại sao lại phải đi vòng qua bên Mỹ trước khi đi về Việt Nam (so qua tiếng Mỹ rồi mới chuyển thành Việt ngữ), hay tại sao phải kể lể bạn ông bên Nhật bên Âu, hay impact factor này kia...

Tôi cho rằng việc so sánh các khái niệm tương đồng nhau khi không có các khái niệm giống nhau tuyệt đối là cách tiếp cận nghiêm túc và vì thế hoàn toàn chấp nhận được. Nếu MdC đúng là PGS của Việt Nam thì nó cũng phải tương đương với khái niệm tương đương của PGS Việt Nam trong hệ thống giáo dục Anh, Mỹ, hay Liên Xô hay bất kỳ hệ nào khác mà quý vị lựa chọn. Một cái bánh mì của Việt Nam sẽ phải giống phần nào về bản chất, hình thức, và công dụng như pain của Pháp, bread của Anh-Mỹ, hay хлеб của Nga chứ nó không thể nào là mì sợi được. Từ pain tiếng Pháp khi chuyển sang tiếng Việt không được phép trở thành một từ mà khi chuyển qua Anh ngữ, rồi từ Anh ngữ lại qua Pháp ngữ và bỗng trở thành nouille (mì sợi). Quý vị có thể chọn bất kỳ các kết hợp nhóm ngôn ngữ nào nhưng theo tôi nguyên tắc nên tôn trọng vẫn là phải giữ được sự nhất quán trong chuyển ngữ khái niệm. Cách ông Đăng tham chiếu, kiểm tra chéo giữa các hệ thống bằng cấp học vị khác nhau này tôi thấy là hoàn toàn chấp nhận được.
 
2. Ông Cao Việt Dũng, một dịch giả tiếng Pháp nhiều kinh nghiệm, phát biểu là trong hệ thống Pháp bên dưới mức Professeur thì chỉ có MdC, tựa như trong hệ thống Việt thì dưới Giáo sư chỉ có Phó Giáo sư thôi vậy. Vậy thì còn ngần ngại gì nữa mà không gán cho MdC là PGS.
 
Đọc lập luận kiểu này, một người nghiêm túc như tôi cũng phải bật cười vì thấy sao cái lập luận gì mà lại đáng yêu và duyên lạ.
 
Thưa ông Dũng và các quý vị khác có chung quan điểm trên đây, tôi đồng ý là trong hệ Pháp thì dưới Professeur không có gì hết trước khi có MdC. Nhưng các vị cố tình hay vô ý không biết rằng khái niệm Giáo sư trong tiếng Việt là một danh từ chỉ một loại người đơn lẻ, tức là nói Giáo sư thì chỉ có một ông Giáo sư thôi, các ông khác nếu không phải là Giáo sư thì dù có là Phó Giáo sư cũng dứt khoát không phải là... Giáo sư. Điều này không đúng trong hệ Pháp. Giáo sư đại học trong hệ Pháp (Professeur d'université) có phẩm trật phân ngạch đàng hoàng. Hai ông có thể cùng là Giáo sư nhưng một ông vẫn có thể là thày của thày ông kia vậy và điều này có thể được phân định rõ ràng thông qua phẩm trạch của hai ông. Thực vậy, tôi đề nghị quý vị xem xét đoạn Carrière et rémunération (Sự nghiệp và lương bổng) trên trang mạng: http://www.education.gouv.fr/personnel/metiers/professeur_universite.htm

Vừa đọc vừa lần mần tra từ điển tôi thấy rằng Pháp quốc Đại học Giáo sư đoàn được chia thành 3 cấp:
 
 
Các phần dẫn giải trong cùng mục cho thấy việc thăng tiến từ bậc thấp lên bậc cao trong cùng một cấp là tự động theo thâm niên (không nói rõ là bao lâu lên một bậc) còn chuyển từ cấp này qua cấp nọ là do (tổ chức?) lựa chọn.
 
Giả sử cô Dương đã trở thành thành viên của Giáo sư đoàn bắt đầu từ bậc thấp nhất của đệ nhị cấp và sự thăng tiến của cô cứ tự động 1 năm lên một bậc và khi lên bậc tối đa của một cấp thì cô tự động được chuyển lên cấp cao hơn. Dễ dàng thấy cô sẽ mất 6 năm để lên cấp 1 và 9 năm để lên ngoại ngạch cấp v.v. Mỗi lần vượt cấp có vẻ như là một lần vượt võ môn chứ không phải chuyện chơi.
 
Tuy không dám kết luận nhưng ở đây tôi thấy có mầm mống của sự tương đồng giữa hai hệ Pháp và Mỹ. Ở Mỹ, khi bắt đầu từ mức Assistant Professor người ta sẽ mất chừng 6 năm để lên mức Associate Professor và sau đó lên đến (Full) Professor thì tùy theo năng lực sẽ là vài năm đến cả chục năm. Mỗi lần vượt cấp cũng là một thử thách khó khăn đối với các thành viên của giới hàn lâm. Dựa trên suy diễn này, tôi dè dặt đề nghị rằng khi so sánh ngang bằng giữa hai hệ Pháp Mỹ chúng ta cùng gán tương đồng 3 cấp từ thấp lên cao một cách tương đương như trên, tức là một Assistant Professor Mỹ sẽ là một Giáo sư đệ nhị cấp Pháp và v.v.
 
Từ đó tôi cũng thấy rằng khi so sánh hai hệ Pháp-Việt thì Giáo sư đoàn Việt Nam có vẻ như đã ghép hai loại Giáo sư đệ nhị cấp và Giáo sư đệ nhất cấp thành một loại là Phó Giáo sư, và Giáo sư Việt Nam là Giáo sư đệ ngoại ngạch cấp của Pháp.
 
Vậy thì MdC sẽ là cái gì đây? Tôi cho rằng người Pháp tuy kém thông minh hơn người Việt ta nhưng cũng không đến nỗi kém quá. Nếu MdC là một loại Giáo sư thì người ta đã gọi là Professeur mà không gọi là MdC, và vì người ta đã gọi là MdC nên mình cũng đừng ép nó thành Giáo sư, dù có chỉ là Phó Giáo sư đi nữa. MdC thực ra là một loại Giảng viên cấp cao hơn các loại Giảng viên khác trong phân loại kiểu Pháp. Và tôi nghĩ rằng nên dịch nó là Giảng viên Cấp cao như Senior Lecturer trong hệ Mỹ thì đỡ gây những phiền phức và hiểu nhầm không cần thiết.