© http://www.talawas.org/     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
3.12.2005
Phương Bình
Đọc bài “Đừng coi thường độc giả”

Tôi đã đọc bài báo về Phan Thị Hà Dương trên ViệtNamNet và Tuổi Trẻ Online. Cô là người được học hành tử tế về khoa học cơ bản, là con nhà nòi. Vì thế tôi tin rằng cô là người giỏi giang, có triển vọng, và còn… quá thừa sức làm giáo sư ở Việt Nam ấy chứ! Tôi cũng cho cô là người trung thực vì cô cũng đã tự dịch chức danh của mình sang tiếng Anh là “assistant professor” chứ không phải “associate professor”.

Điều mà tôi thấy đáng nói ở đây là quả thực báo chí của ta thích thổi phồng thành tích. Cũng có thể do lầm lẫn mà “giảng viên” lại bị thổi phồng thành “phó giáo sư”, “assistant professor” thì bị cắt luôn chữ “assistant” đi để gọi là “professor”… cho oai. Ở thời đại hiện nay, nên chăng một sự tỉnh táo cân bằng giữa lòng tự hào dân tộc và tính xác thực của thông tin?

Thoạt đầu tôi cho là ông Nguyễn Đình Đăng dùng một số từ hơi “mạnh”. Nhưng thử thay thế các từ đó bằng những từ mình cho là “mềm mỏng” hơn, tôi nhận thấy bài bào này sẽ rơi tõm vào hư vô ngay, sẽ chẳng có ai buồn để mắt đến và sẽ không có cuộc tranh cãi này. Chuyện này làm tôi liên tưởng đến đến vụ việc gần đây nhất, cũng liên quan đến việc chuyển ngữ, là vụ dịch Mật mã Da Vinci ra tiếng Việt. Lúc đầu cũng có một độc giả “nhỏ nhẻ” nêu ra các lỗi dịch thuật trong bản dịch tiếng Việt của cuốn sách này, nhưng chỉ làm “mặt hồ lăn tăn gợn sóng”, chả mấy ai để ý. Đến khi ông Trần Tiễn Cao Đăng gọi đó là “thảm họa dịch thuật” thì bão tố mới nổi lên. Thế là nhà xuất bản mới phân bua, người ta mới triệu tập một cuộc họp để bàn về thực trạng dịch thuật ở Việt Nam.

Để kết thúc ý kiến của mình tôi có mấy kết luận rút ra từ cuộc tranh luận này:

  1. Người viết báo không thể chỉ thỏa mãn với “kiến thức chung chung” khi viết về các đề tài liên quan đến chức danh, thuật ngữ chuyên môn. Nếu chưa chắc chắn thì phải tra cứu, tự mình làm sáng tỏ vấn đề rồi sau đó hãy viết cho người khác đọc.
  2. Người được báo chí viết về mình nên yêu cầu được kiểm tra lại tính chân thực, xác thực của thông tin về mình trước khi đồng ý cho đăng.
  3. Nhà nước Việt Nam nên có sự thống nhất bằng một văn bản chính thức và chi tiết cho việc chuyển ngữ các bằng cấp chức danh nước ngoài sang tiếng Việt.