Rumani xuất bản tập thơ "Nhật ký trong tù"

Nhân kỷ niệm lần thứ 60 Quốc khánh Việt Nam và 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Rumani-Việt Nam, Hội hữu nghị Rumani-Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani và Hội người Việt Nam tại Bucares đã tổ chức dịch và xuất bản tập thơ "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Việt và tiếng Rumani.

Tập thơ "Nhật ký trong tù" được dịch giả Conxtantin Lupeanu dịch từ nguyên tác chữ Hán. Ông Lupeanu nguyên là Đại sứ Rumani tại Hà Nội và hiện đang là Chủ tịch Hội hữu nghị Rumani-Việt Nam. Trong nhiệm kỳ 3 năm của mình, Đại sứ Lupeanu đã giúp cho quan hệ giao lưu văn hóa giữa Rumani và Việt Nam được khai thông sau hàng chục năm gián đoạn.

Cuối tháng 8 vừa qua, tại Bucares cũng đã tổ chức hội thảo về tập thơ "Nhật ký trong tù" và văn hóa Việt Nam./.

 

Công diễn "Bản hùng ca linh thiêng"

Chào mừng kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, trong 2 tối 2-3/9, Đoàn kịch nói Quân đội đã trình diễn vở kịch nói "Bản hùng ca linh thiêng" của 2 tác giả Xuân Đức - Cao Hạnh với sự dàn dựng của Đạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Hoàng Giang và Nghệ sĩ Ưu tú Hồ Ngọc Hà. Ông Nguyễn Khoa Điềm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương đã đến dự.

Vở kịch tái hiện một thời điểm chiến đấu vô cùng gian khổ, ác liệt và quả cảm của quân và dân ta trong cuộc đọ sức 82 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị. Với sự tái hiện lịch sử sinh động, khắc hoạ những hình tượng nhân vật bình thường nhưng hết sức tiêu biểu trong cuộc đọ sức quyết liệt, cùng với sự tham gia của dàn diễn viên giàu kinh nghiệm của Đoàn kịch nói Quân đội, vở diễn đã tạo nên nhiều kịch tính, gây xúc động trong người xem.

Hy vọng, với sự góp ý của khán giả và sự khổ công tập luyện của các nghệ sĩ, vở kịch tiếp tục được hoàn thiện sẽ là một trong những vở diễn thành công của sân khấu kịch nói, thu hút đông đảo người xem cả nước./.

 

Triển lãm cổ vật pháp lam và y phục cung đình Nguyễn
tại Nhật Bản

Được sự đồng ý của Bộ Văn hoá - Thông tin, Trung tâm Bảo tồn di tich cố đô Huế (Thừa Thiên-Huế) sẽ mang 20 bộ hiện vật pháp lam và 8 bộ y phục cung đình triều Nguyễn sang tham dự triển lãm World Expo 2005 tại thành phố Aichi (Nhật Bản) từ 5-20/9.

Các cổ vật pháp lam được chọn là những cổ vật quý hiếm, nhiều hiện vật là độc bản của Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế như: hộp đựng trầu, hộp son phấn, bình hoa thờ, cơi trầu, lư trầm, khay đựng mứt, khay trà, đĩa hình thoi, ống nhổ… 8 bộ y phục cung đình là những bộ y phục do nghệ nhân Trịnh Bách cùng cộng sự phục chế từ nguyên mẫu với công nghệ dệt, thêu truyền thống như: long bào hoàng tử, sa kép hoàng thái hậu, mãng lan hoàng tử, sa kép hoàng thái tử, hoàng bào hoàng hậu, mệnh phụ công chúa, đoàn loan nhật bình công chúa…/.

 

Chương trình "Cửa sổ Việt Nam 2005" tại Thái Lan

Từ ngày 1 đến 11/9, tại Bangkok (Thái Lan) diễn ra chương trình "Cửa sổ Việt Nam 2005", trong đó giới thiệu nghệ thuật ẩm thực và hội họa Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hoạt động này, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh chương trình "Cửa sổ Việt Nam 2005" có ý nghĩa quan trọng vì nó diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Quốc khánh Việt Nam. Qua hoạt động này, bạn bè Thái Lan và quốc tế có dịp cảm nhận và hiểu rõ hơn những nét tinh tế trong các món ăn truyền thống và chiêm ngưỡng những hình ảnh đẹp nên thơ của phong cảnh Việt Nam. 

Trong khi đó, tờ "Nhà Quản lý" (Thái Lan) trong hai số liên tiếp đã đăng bài viết giới thiệu tiềm năng kinh tế của Đà Nẵng. Bài báo nêu rõ Đà Nẵng là điểm chốt của tuyến hành lang Đông-Tây và là tâm điểm liên kết 4 địa danh đã được công nhận là di sản văn hoá thế giới, gồm: Hội An, Huế, Mỹ Sơn và Phong Nha. Đà Nẵng còn có thể trở thành cửa ngõ ra biển cho các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và các tỉnh Trung Lào. Để thực hiện mục tiêu đó, Đà Nẵng đang tích cực phát triển cảng nước sâu Tiên Sa. Theo bài báo, một trong những thế mạnh của Đà Nẵng là nguồn nhân lực có trình độ cao được đào tạo đều đặn từ 4 trường đại học ở địa phương./.

 

Một hoạ sĩ Việt Nam được công nhận là hội viên chính thức Hội Mỹ thuật chủ thể Nhật Bản

Họa sĩ Việt Nam Nguyễn Đình Đăng vừa được chọn là một trong 18 họa sĩ đoạt danh hiệu "Tác giả có tác phẩm đẹp" tại Triển lãm Chủ thể lần thứ 41 của Hội Mỹ thuật chủ thể Nhật Bản vừa khai mạc ngày 1/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật trung ương Tokyo. Đây là lần thứ hai Nguyễn Đình Đăng đoạt danh hiệu này từ 480 tác phẩm gửi đăng ký dự thi.

Trong một cuộc bỏ phiếu kín sau đó, đa số các hội viên Hội Mỹ thuật chủ thể Nhật Bản đã công nhận Nguyễn Đình Đăng là hội viên chính thức của hội. Đây là hội viên người nước ngoài đầu tiên trong lịch sử 41 năm kể từ khi thành lập (1964) của hội này. Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng là hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam, đồng thời là nhà vật lý hiện đang nghiên cứu về lý thuyết vật lý hạt nhân tại Viện Vật lý hóa học Nhật Bản./.