Dưới đây là toàn văn bài trả lời phỏng vấn tác giả đọc lần đầu tiên vào ngày 13/11/2006 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội trước ống kính máy quay phim của đạo diễn điện ảnh Trần Văn Thủy và cameraman Nguyễn Sĩ Bằng với sự hiện diện của ông Nguyễn Lân Bình và một số khán giả xem triển lãm “13 tầm nhìn từ Nhật Bản”.

Nguyễn Đình Đăng

Tôi đã vẽ bức tranh “Sự ra đời của chữ Quốc ngữ (Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh)” như thế nào?

Là một trong những người Việt Nam sống nhiều năm ở nước ngoài, tôi không khỏi trăn trở mỗi khi nghĩ đến sự tụt hậu của quê hương so với các nước có nền kinh tế và văn minh trên thế giới như Nhật Bản và Hoa Kỳ. Mỗi lần trăn trở như vậy, tôi lại thấy rất cảm phục những tiền bối đã sớm nhìn thấy gốc rễ sâu xa của mọi yếu kém của dân Việt nằm trong dân trí, và đã ra sức cống hiến tài năng và nhiệt huyết của mình để nâng cao dân trí của Việt Nam, cho dù tiếng nói của họ khi đó có thể chỉ là thiểu số, cho dù họ có thể bị đám đông xa lánh, hay bị đàn áp bởi cường quyền. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh là một bậc vĩ nhân như vậy của Việt Nam.

Có thể nói người Việt Nam ta ngày nay đang dùng một thứ chữ viết mà nhờ nó họ đã hoà nhập được rất nhiều với nền văn minh phương Tây, thoát ra khỏi nền độc tài của văn hoá Trung Hoa, vốn có một lịch sử thống trị cả ngàn năm trên phần bắc của dải đất hình chữ S. Chữ Quốc ngữ được sáng tạo ra ở Việt Nam lúc đầu là nhờ công lao của các nhà truyền giáo Jesuit (dòng Tên) người Bồ Đào Nha và Pháp. Nó được đánh dấu chói sáng lần đầu tiên bằng sự xuất bản chính thức tại Rome cuốn Từ điển Việt–La-Bồ
của Alexandre de Rhodes (người Pháp) vào năm 1651. Từ đó cho đến khi vua Khải Định chính thức ra chỉ dụ bãi bỏ hoàn toàn chữ Nho vào năm 1919, thay thế bằng hệ thống trường Pháp - Việt, rồi đến quyết định ngày 18 tháng 9 năm 1924 của toàn quyền Đông Dương Merlin đưa chữ Quốc ngữ vào dạy tại 3 năm đầu cấp tiểu học, người Việt Nam đã trải qua 3 thế kỷ để cái mới của chữ Quốc ngữ và của nền văn minh phương Tây thắng cái hủ bại suy đồi của nền học vấn bám vào chữ Trung Quốc và Nho giáo. Trong cuộc đấu tranh gian khổ đó, vai trò của cụ Nguyễn Văn Vĩnh thật vô cùng lớn lao.

Xuất thân từ một gia đình nghèo, đông con, nhưng với tài năng và nghị lực phi thường của mình, ông Nguyễn Văn Vĩnh đã từ một thằng nhỏ kéo quạt cho một lớp đào tạo thông ngôn tại đình Yên Phụ, trở thành người đỗ đầu khoá học khi mới 14 tuổi (năm 1896). Từng là trợ lý đắc lực cho công sứ tỉnh Bắc Ninh, được Pháp cho sang thăm triển lãm Marseilles, ông Vĩnh có cả một tiền đồ với quyền cao chức trọng chờ đợi mình ở Đông Dương. Thế nhưng, kỹ nghệ in ấn và tự do báo chí ở Pháp đã mở cho người thanh niên 24 tusổi một con đường khác. Trở về Việt Nam, ông Vĩnh đột ngột từ bỏ nghiệp quan chức và chuyển sang làm báo tự do. Tờ Đăng Cổ Tùng Báo
do ông sáng lập năm 1907 khi ông mới 25 tuổi là tờ báo đầu tiên xuất bản bằng chữ Quốc ngữ tại Bắc Kỳ. Sáu năm sau ông ra tờ Đông Dương tạp chí với mực đích dạy dân Việt viết văn bằng chữ Quốc ngữ. Ông là người Việt Nam đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp, và dịch các áng văn chương của các đại văn hào Pháp như Corneille, La Fontaine, Hugo, v.v. sang tiếng Việt. Tuy không phải là người theo đạo, nhưng cũng như Chúa Jesus, ông Vĩnh đã vác thánh giá văn hoá đi trong suốt cuộc đời làm báo của ông. Và cũng như Đức Chúa đã hy sinh chịu bị đóng đinh trên thánh giá để cứu rỗi nhân loại lầm lỗi, ông Vĩnh cuối cùng đã chết năm 1936 trong một cuộc đi tìm vàng ở Nam Lào, sau khi toà soạn của ông vỡ nợ. Ông chết trong một con thuyền độc mộc trên một dòng sông ở Sepole, trong tay vẫn nắm chặt cây bút và cuốn sổ với bài viết cuối cùng của ông. Ông đã chết trong lao động, chết sau khi đã dốc toàn bộ sức lực của mình cho những gì mình say mê. Archimedes, Mozart, Chopin, Van Gogh, Gauguin, v.v. đều đã chết như vậy: gục trên các công thức, trên bản thảo, trên đàn piano, hay trước giá vẽ, v.v. Đó là cái chết của những vĩ nhân. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh quả là một vĩ nhân văn hoá của Việt Nam. Người ta mới hiểu lý do của phút im lặng trang nghiêm của hàng ngàn người Việt Nam trước ga Hàng Cỏ khi quan tài ông Vĩnh được đưa bằng xe lửa từ Lào về Hà Nội. Như tất cả những người dân ở các nước văn minh khác, người Việt Nam biết kính trọng những người có học, những đại trí thức, bởi họ hiểu tri thức là ngọn đèn duy nhất giúp cho họ khỏi đi lầm đường hoặc từ bỏ những con đường sai lạc.

Tôi được nghe bố tôi kể về cụ Vĩnh từ khi tôi còn rất bé, khi sách giáo khoa lịch sử của bộ giáo dục Việt Nam còn gọi cụ Vĩnh là bồi bút và Alexandre de Rhodes là gián điệp của Pháp. Năm cuối cùng ở phổ thông, tôi được làm học trò về toán của cháu ngoại cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Tôi đạt điểm cao trong kỳ thi vào đại học năm 1975 và vì thế được đi học ở nước ngoài. Cuộc đời tôi nhờ đó đã thay đổi hẳn. Tôi trở thành nhà vật lý và hoạ sĩ, được sống tại các nước văn minh, được mời thuyết trình tại các trường đại học danh tiếng tại Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á, được bày tranh tại các viện bảo tàng và galleries của Tokyo. Như vậy, tôi có thể nói, ngoài cái tinh hoa tôi được di truyền từ bố mẹ tôi, cũng là những trí thức Tây học, biết đâu tôi cũng đã có diễm phúc được hưởng một phần cái tinh thần của cụ Nguyễn Văn Vĩnh nhờ từng được làm học trò của cháu cụ!

Trong một dịp về thăm nhà vào năm 2000 tôi được đọc những tài liệu khá chi tiết về thân thế và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Vĩnh do con trai của cụ, ông Nguyễn Kỳ, bạn của bố mẹ tôi, sưu tầm. Câu chuyện đầy huyền thoại về cái chết của cụ Vĩnh làm tôi đặc biệt xúc động. Ngay lập tức tôi thấy lờ mờ hiện lên trước mắt bố cục. Quay trở lại Tokyo, tôi bắt tay vào phác thảo bức tranh. Trong tranh, ông Vĩnh nằm dang tay theo phối cảnh như Chúa Jesus trong bức tranh “Chúa Jesus chết” của Andrea Mantegna (vẽ cách đây hơn 5 thế kỷ), tức là nhìn từ gót chân lên. Tôi vẽ ông lơ lửng giữa trời, một tay cầm bút, một tay cầm tờ giấy. Đằng sau ông, trên nền trời tối đen là Alexander de Rhodes mặc áo chùng màu trắng, màu của trí tuệ và trinh tiết, tay trái cầm thánh giá, tay phải đưa về phía trước như chỉ đường. Bên dưới là cảnh một dòng sông tối om với một con thuyền thúng nằm chỏng chơ trên bờ. Theo hình dung của tôi, xã hội Việt Nam lúc bấy giờ cũng âm u như một dòng sông đen, và văn hoá dân trí thì lênh đênh trôi dạt như một con thuyền không bến. Trong cái đêm đen ấy chữ Quốc ngữ như một nguồn ánh sáng mới thức tỉnh những con người trước đó còn đang bị u mê bởi nền Nho học giáo điều nhồi sọ. Theo tôi chữ Quốc ngữ là biểu tượng xuất sắc cho sự hoà hợp thành công hiếm hoi giữa phương Tây và phương Đông. Còn thì như Kippling đã nói: “Đông là Đông, Tây là Tây, và hai phương không bao giờ gặp nhau”. Số phận trớ trêu của lịch sử và địa lý đã đẩy dân tộc Việt Nam vào thế bị kẹt và phải hứng chịu mọi bi kịch của những cuộc đối đầu: đối đầu giữa hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ, đối đầu giữa phương Tây và phương Đông, đối đầu giữa hai hệ thống chính trị, v.v. Kết cục như thế nào thì chúng ta đã biết. Một trong những niềm an ủi, nếu không nói là tự hào, mà chúng ta nhận được sau những cuộc đụng độ ấy có lẽ là chữ Quốc ngữ.

Người mẫu cho cơ thể ông Vĩnh chính là tôi. Người mẫu cho phần cơ thể mặc áo chùng của Alexander de Rhodes là con trai của tôi. Để đảm bảo tính chính xác về chân dung, tôi đã dựa theo các chân dung cũ của Alexander de Rhodes tìm thấy trên internet để vẽ khuôn mặt và mũ của ông. Bức tranh “Sự ra đời của chữ Quốc ngữ (Cái chết siêu Việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh)” đã được tôi vẽ như vậy .

Theo hiểu biết của tôi, đây là bức tranh đầu tiên và cho đến giờ vẫn là duy nhất vẽ về Alexandre de Rhodes và cụ Nguyễn Văn Vĩnh như những danh nhân văn hoá trong việc phổ biến chữ Quốc ngữ. Cách đây 2 năm tôi nhận được thư của ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Ông Bình nói rằng ông và gia đình đã “rất xúc động” khi tình cờ xem bức tranh này trên trang web của tôi. Ông còn nói ông và gia đình “cảm nhận bức tranh này như một phần thưởng tinh thần to lớn với gia đình ông”. Dịp về Hà Nội triển lãm “13 tầm nhìn từ Nhật Bản” cùng với 12 nghệ sĩ Nhật Bản tại Nhà triển lãm mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam tại 16 Ngô Quyền Hà Nội từ 8 đến 14/11/2006, trùng với lần giỗ thứ 70 của cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Vì thế tôi đã mang bức tranh này về trưng bày để công chúng yêu nghệ thuật và các hoạ sĩ trong nước có thể thấy nguyên bản tác phẩm gốc, âu cũng là một dịp bày tỏ niềm kính trọng và ngưỡng mộ của tôi trước một vĩ nhân văn hoá, người đã góp phần rất lớn làm cho chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết của toàn dân Việt ngày hôm nay.

(đã đăng trong phần Phụ lục bài “Hà Nội trong mắt tôi” tại talawas 24.11.2006)