29.8.2007

 

Nguyễn Đình Đăng

 

Habilitation và доктор наук 



Ông Trần Văn Tích viết “Tác giả Nguyễn Ðình Ðăng trên talawas ngày 21.08.2007 cho rằng tiến sĩ ở Liên Xô là habilitation ở Ðức”. Tôi e rằng ông chưa đọc kỹ ý kiến của tôi cũng như giải thích ở những đường link về các học vị này, được trích dẫn trong ý kiến của tôi. 



Nguyên văn tôi viết: “Cái tên “phó tiến sĩ” được đặt ra là để phân biệt với “tiến sĩ” (доктор наук) là học vị cao nhất trong giới khoa bảng ở Liên Xô (cũ) và Nga hiện nay (xem Education in Russia), hay “habilitation” ở Đức và một số nước EU (Xem thêm Doctorate)” là nhằm mục đích giải thích cách phân loại ở Việt Nam chứ không phải để khẳng định như ông Trần Văn Tích đã nêu. Thực tế là ở Việt Nam một thời người ta đã dùng “TS cấp II” để gọi những người có học vị доктор наук (TSKH) của Liên Xô hay các bậc “gần gần” như vậy, ví dụ như habilitation ở Đức hay các nước châu Âu theo hệ thống tương tự, nhằm phân biệt với bậc thấp hơn: “TS cấp I”, tức кандидат наук (TS), Ph.D., hay PTS trước đây, cũng như người ta từng dùng “GS II” để gọi “giáo sư” (full professor) và “GS I” để chỉ “phó giáo sư” (associate professor). Tôi chưa hề bàn đến sự đúng sai hay khập khiễng của cách phân loại như vậy. 



Tuy nhiên, theo hiểu biết hạn hẹp của tôi, quá trình đạt được “доктор наук” (tiến sĩ khoa học = TSKH) ở Liên Xô và “habilitation” ở Đức có vẻ gần giống nhau. Là người được đào tạo tại Liên Xô, tôi xin nhường lời cho các vị được đào tạo ở Đức bàn kỹ về học vị tại nước này. Tôi lại càng không dám bàn về các học vị của Pháp vì rất dễ xảy ra nhầm lẫn, như đã có lần tôi nêu ra trong bài “Đừng coi thường độc giả” khi có tác giả đã coi “maître de conférences” của Pháp là “phó giáo sư” (associate professor). 



Vì học hàm & học vị có vẻ là một vấn đề khá “nhạy cảm” đối với người Việt Nam vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, coi trọng học hành và thi cử, cho phép tôi được tóm tắt bằng tiếng Việt dưới đây các giải thích về доктор наук (TSKH, chứ không phải TS) và habilitation từ đường link Doctorate đã dẫn trong ý kiến của tôi để độc giả tự phán xét. Xin lưu ý: Tôi chỉ tóm tắt những phần trả lời trực tiếp cho vấn đề đã nêu trên, bỏ đi những phần tôi cho rằng không quan trọng lắm. Ngoài ra tôi bổ sung một số chi tiết liên quan tới học vị ở Liên Xô và Việt Nam mà bài ở đường link không đề cập. 



“Tiến sĩ” - tức TS theo như tên gọi ở Việt Nam hiện nay, hay phó tiến sĩ (PTS) theo cách gọi ở Việt Nam trước kia - là học vị cao nhất ở nhiều nước, và chỉ thấp hơn habilitation của những nước có học vị thứ hai này (như ở Trung và Đông Âu). Cách dùng và ý nghĩa của “TS” đã thay đổi theo thời gian và phụ thuộc vào các địa phương. Vào khoảng đầu thế kỷ 20, khi đại học chuyển sang xu hướng kết hợp nhiều với nghiên cứu, nước Đức bắt buộc những ứng cử viên giảng dạy đại học phải có học vị TS nghiên cứu (research doctorate). Ngày nay học vị TS nghiên cứu là điều kiện cần để theo đuổi sự nghiệp hàn lâm, mặc dù không phải ai nhận bằng TS cũng có thể được vào biên chế giảng dạy tại đại học (tạm dịch từ faculty member). 

Mặc dù, ngày nay TS nghiên cứu được chấp nhận rộng rãi như một tiêu chuẩn để xếp loại trong sự nghiệp hàn lâm, đó vẫn là một phát kiến tương đối mới. “Tiến sĩ kiểu cũ” đòi hỏi người ta cần nhiều thời gian hơn mới có thể đạt được bởi vì những ứng viên phải chứng tỏ mình là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực mình nghiên cứu. Ở Anh “TS kiểu cũ” như thế này bây giờ được gọi là “Tiến sĩ bậc cao hơn” (Higher doctorates). Habilitation hiện vẫn được dùng để tuyển giáo sư tại nhiều nước EU và thường đòi hỏi một luận văn mới và dày (sau luận văn TS), hoặc một tập hợp các công trình nghiên cứu. Luận văn habilitation phải được chứng tỏ đó là một nghiên cứu độc lập và sâu sắc kỹ lưỡng. Ứng viên phải có kinh nghiệm trong giảng dạy. Gần đây người ta còn đòi hỏi ứng viên phải có thêm khả năng kiếm được nguồn tài trợ cho đề tài nghiên cứu của mình nữa. Habilitation được coi như xếp hạng cao của một người làm nghiên cứu sau TS (senior post-doctoral qualification), nói chung chỉ đạt được nhiều năm sau khi nhận bằng TS, và thường là điều kiện cần để đạt được chức Privatdozent (ở Đức) hoặc giáo sư (professor). Ở Đức, habilitation vì vậy cũng thường được coi là tiến sĩ bậc cao hơn, mặc dù về mặt định nghĩa mà nói, như ông Trần Văn Tích đã nêu, habilitation ở Đức không phải là một học vị, mà là một chứng chỉ chuyên nghiệp để được dạy tại một trường đại học của Đức. 



Một hệ thống tương tự như vậy đã có ở Nga từ xưa. Ngay từ thời Nga Sa Hoàng доктор наук (TSKH) đã được coi là học vị cao nhất. Hệ thống này được chấp nhận tại Liên Xô/Nga và các nước nguyên nằm trong Liên Bang Xô-viết, và gồm 2 bậc học vị. Bậc thứ nhất gọi là кандидат наук (kandidat of sciences), ví dụ kandidat of medical sciences (TS y học), kandidat of chemical sciences (TS hóa học), kandidat of physics and mathematics sciences (TS toán-lý), v.v. Học vị кандидат наук thường được công nhận tương đương với Ph.D. (Doctor of Philosophy) vì thường đòi hỏi ít nhất 3 năm nghiên cứu sau khi nhận university diploma đại học, tương đương với master degree (thạc sĩ) (Ở Liên Xô và Nga phải học 5 – 6 năm ở đại học mới được nhận university diploma). Như vậy người ta nhận học vị кандидат наук lúc khoảng 27 – 28 tuổi. Cũng như ứng viên Ph.D., ứng viên học vị кандидат наук phải làm nghiên cứu dưới sự chỉ đạo của một người hướng dẫn khoa học. Ngoài ra ứng viên phải qua 3 kỳ thi tối thiểu (gọi là kandidat’s minimum) gồm chuyên môn của mình, triết học, và ngoại ngữ. Ứng viên phải công bố ít nhất 3 bài báo trong các tạp chí có phản biện (peer-reviewed journals), viết một luận văn (gọi là kandidat’s dissertation) dựa trên kết quả của các bài báo ấy, và bảo vệ luận văn trước một hội đồng khoa học. Sau khi ứng viên trình bày, hai người phản biện (gọi là opponent) và một người đại diện cơ quan phản biện được mời để đánh giá luận văn trước khi hội đồng bỏ phiếu kín. Nếu ứng viên được trên 2/3 số phiếu thuận, hội đồng này có quyền quyết định ứng viên được nhận học vị кандидат наук (TS). Căn cứ vào quyết định của hội đồng, “Ủy ban học vị tối cao” của liên bang (Высшая аттестационная комиссия, viết tắt là ВАК, đọc là VAK) sẽ cấp (hoặc không cấp) bằng кандидат наук (TS) cho ứng viên. 



Bậc cao hơn, доктор наук (TSKH), có thể được coi tương đương với giáo sư ở châu Âu hay Bắc Mỹ (theo đưòng link đã dẫn). Bậc này đòi hỏi ứng viên phải viết một luận văn mới dựa trên kết quả của nhiều bài báo (không dưới 10 bài) công bố tại các peer-reviewed journals. Ứng viên phải chứng tỏ mình là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của mình, rằng nghiên cứu của mình “mở ra một hướng mới” – đây là yêu cầu quan trọng nhất của luận văn доктор наук, vì thế luận văn доктор наук (TSKH) phải được hoàn thành không có người hướng dẫn khoa học. Luận văn cũng phải được ứng viên bảo vệ trước một hội đồng khoa học cấp cao hơn, và trình tự cũng tương tự như bảo vệ học vị кандидат наук (TS). Tuy nhiên hội đồng này không có quyền quyết định trao học vị TSKH mà chỉ gửi biên bản và toàn bộ hồ sơ bảo vệ, ý kiến phản biện, kết quả bỏ phiếu kín, băng ghi âm và bản tốc ký ghi lại nội dung cuộc bảo vệ lên ВАК – cơ quan duy nhất có thẩm quyền quyết định (hay từ chối) trao học vị доктор наук (TSKH). 

Người có học vị кандидат наук (TS) có thể nhận vị trí phó giáo sư đại học hay senior researcher tại các viện nghiên cứu. Nhưng để trở thành giáo sư đại học (full professor) hoặc giám đốc viện nghiên cứu thì phải có học vị доктор наук (TSKH). Ở Liên xô /Nga trung bình trong 4 кандидат наук (TS) thì chỉ có 1 người trở thành доктор наук (TSKH). Tuổi trung bình của доктор наук (TSKH) lúc nhận học vị là 40. Việc thu nhận các nhà khoa học Liên xô có học vị кандидат наук (TS) vào các viện nghiên cứu ở Bắc Mỹ đã tạo nên một sự xáo trộn khi các доктор наук (TSKH) bị đánh đồng với những người mà họ hướng dẫn. 



Tôi không muốn nói rằng học vị доктор наук (TSKH) có yêu cầu cao hơn habilitation của Đức, vì hai lẽ: 1) tôi không có kinh nghiệm thực tế về habilitation của Đức, 2) nói vậy sẽ không được khiêm tốn cho lắm, lại có thể làm mếch lòng một số đồng nghiệp và bạn bè được đào tạo tại Đức. Tôi chỉ căn cứ vào quá trình đào tạo về mặt hình thức, yêu cầu tổng thể, và thời gian để tạm gọi chúng là “gần nhau” như đã phân tích ở trên, phù hợp với việc phân loại học vị hiện hành tại Việt Nam để độc giả tiện đối chiếu, tránh những nhầm lẫn thái quá. Tôi cũng hoàn toàn chưa đề cập đến trình độ thực chất của ứng viên, sự khác nhau về chất lượng nghiên cứu và đào tạo giữa các viện nghiên cứu và các trường đại học trên thế giới, cũng như các trường hợp đặc biệt xuất chúng, ví dụ nhà vật lý Liên xô, đoạt giải Nobel mà tôi rất ngưỡng mộ, Lev Davidovich Landau, khi bảo vệ luận văn кандидат наук (TS) đã được công nhận luôn là доктор наук (TSKH) vì công trình của ông quá xuất sắc !