Nghệ thuật

 

Mĩ thuật

24.11.2006

Nguyễn Đình Đăng

Hà Nội trong mắt tôi

 

“Khi mê bùn chỉ là bùn,
Ngộ rồi mới biết trong bùn có sen.”

(Thơ Nguyễn Bảo Sinh)


Trong dịp về Hà Nội tháng 9 năm ngoái tôi hỏi hoạ sĩ Lê Huy Tiếp - chủ tịch hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam - về khả năng tổ chức một triển lãm tại Hà Nội nhằm giới thiệu một số hoạ sĩ Nhật Bản hiện nay. Theo chủ quan của tôi triển lãm này ít nhất sẽ có hai điều bổ ích: một là để các hoạ sĩ Việt Nam biết thêm về sáng tác của một số hoạ sĩ Nhật Bản hiện đại, hai là để một số hoạ sĩ Nhật tận mắt nhìn thấy và làm quen với các hoạ sĩ và hội hoạ Việt Nam. Sau 12 năm sống ở Nhật tôi thấy người Nhật nói chung và các hoạ sĩ Nhật nói riêng không mấy ai biết đến văn học nghệ thuật của Việt
Nam. Các phương tiện thông tin đại chúng ở Nhật đã dựng nên một bức tranh về một nước Việt Nam bị tàn phá bởi hai cuộc chiến tranh, nay đang phát triển kinh tế, là một điểm du lịch tốt cho du khách Nhật với nhiều đồ ăn ngon và rẻ, với các nữ tiếp viên xinh đẹp áo dài thướt tha… Vì thế nhiều hoạ sĩ Nhật đã thật sự ngạc nhiên khi biết Việt Nam có trường Mỹ thuật Đông Dương do hoạ sĩ Victor Tardieu sáng lập năm 1925, là tiền thân của Đại học Mỹ thuật Hà Nội ngày nay. Về phía các hoạ sĩ Việt Nam cũng vậy, hầu hết không được cập nhật thông tin một cách có hệ thống về hiện trạng hội hoạ Nhật Bản. Nói đến các hoạ sĩ Nhật Bản, các hoạ sĩ Việt Nam thường chỉ trích dẫn Hokusai, Hiroshige, hay Fujita. Như thế có khác gì nói hội hoạ Việt Nam chỉ có mấy vị như Lê Văn Miến, Nam Sơn hay Tô Ngọc Vân là đáng giá.

Sau khi được ông Tiếp cho biết thủ tục tổ chức triển lãm, quay về
Tokyo, tôi gửi giấy mời các thành viên. Phần lớn họ là các hoạ sĩ và nhiếp ảnh gia mà tôi quen biết. Nhóm chúng tôi có 13 người: 8 hoạ sĩ và 5 nhiếp ảnh gia. Trừ một mình tôi là người Việt Nam, 12 người còn lại là người Nhật. Tại cuộc họp đầu tiên vào tháng 11 năm 2005 chúng tôi đã thống nhất tên gọi của triển lãm là “13 tầm nhìn từ Nhật Bản” để nhấn mạnh rằng mỗi người chúng tôi có một phong cách riêng. Ngoài ra chữ “từ” hàm ý rằng đó là những cách nhìn từ Nhật Bản nhưng không nhất thiết phải là của Nhật Bản, đơn giản là vì tôi không phải là người Nhật.

Một năm trời trao đổi email với Hội Mỹ thuật Việt Nam (MTVN) – nơi đứng ra tổ chức triển lãm – tôi rất cảm kích bởi thiện chí của Hội thông qua nhiệt tình và tính năng động của Chánh Văn phòng Hội, bà Mai Ngọc Oanh, một người bạn lâu năm của tôi, con gái của cố danh hoạ Mai Văn Hiến. Cho đến ngày hôm nay, tôi có thể khẳng định rằng nếu không có sự ủng hộ rất tích cực của các anh chị em Hội MTVN, nhà triển lãm 16 Ngô Quyền và Trung tâm Mỹ thuật Đương đại (TTMTĐĐ), triển lãm “13 tầm nhìn từ Nhật Bản” của chúng tôi khó có thể thành công.

Trong bài viết này tôi sẽ kể lại một số tình tiết “lý thú” mà tôi đã chứng kiến tại Hà Nội trong dịp diễn ra cuộc triển lãm nói trên.


1. Hải quan Việt Nam làm sai quy định của chính Tổng cục Hải quan

Mặc dù tôi đã cảnh báo các bạn Nhật, để tránh rắc rối với hải quan Việt Nam, nên mang tranh theo người khi sang Việt Nam chứ không nên gửi, bốn người vẫn gửi tranh sang Hà Nội bằng đường EMS (Express Mail Service) tức dịch vụ bưu điện chuyển phát nhanh. Họ nói rằng họ từng gửi tranh bằng
EMS sang các nước khác rất nhanh và tiện. Tôi cũng đã từng gửi tranh sang châu Âu bằng cách này, chỉ mất có 4 ngày và giá cả chịu được. Nhưng Việt Nam không phải là châu Âu. Châu Âu có nền dân chủ lâu đời và xã hội hành xử theo luật pháp, còn “chùm khế” của tôi thì tôi đã từng biết mùi vị của nó. Thông thường hễ cứ dính đến hành chính quan liêu ở Việt Nam thì chùm khế bỗng hết vị ngọt ngào vốn có từ trong một bài hát nọ.

Ngày 26 tháng 10 năm 2006, sau 9 ngày, các thùng tranh gửi
EMS đến sân bay Nội Bài (Hà Nội). Đáng lẽ EMS Hà Nội phải làm các thủ thục hải quan rồi giao hàng đến tận tay người nhận là Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, thì họ lại gửi fax đến Hội MTVN nói là muốn nhanh thì tự đi ra sân bay mà nhận vì nếu để họ làm thì sẽ lâu. Trong khi đó trang web của EMS Việt Nam viết rằng họ đảm bảo chuyển hàng từ người gửi đến tay người nhận trong vòng không quá 10 ngày. Lo lắng rằng nếu chờ đợi thì sẽ không kịp lắp khung cho các bức tranh, Hội MTVN đã cử người ra sân bay Nội Bài để nhận tranh. Đến nơi họ được hải quan Nội Bài thông báo phải nộp thuế bằng 15% giá trị hàng. Có thùng người gửi đề trị giá 5 ngàn yên Nhật (khoảng 42 đô-la Mỹ), nhưng hải quan lại nói là 5 ngàn đô-la Mỹ. Thậm chí những thùng tranh tác giả đã đề trị giá là zê-rô vẫn bị hải quan bắt phải có giá để áp thuế. Hội MTVN làm 2 công văn nói rõ là theo luật hải quan và quy định của tổng cục hải quan Việt Nam, hàng tạm nhập tái xuất để triển lãm thì không phải nộp thuế [1] , nhưng cán bộ hải quan Nội Bài vẫn không chịu. Họ còn viện vào một quy định mà họ nói là một ông thủ tướng (nay đã miễn nhiệm) ký để đòi thuế. Chúng tôi đã tra tất cả các quy định của hải quan Việt Nam từ năm 2005 phổ biến trên trang web của Tổng cục hải quan nhưng không hề tìm thấy một quyết định nào tương tự. Kết quả là, sau 2 lần đi sân bay, người của Hội MTVN vẫn tay trắng trở về. Thấy tình thế gay cấn, đe doạ khai mạc triển lãm, tôi buộc phải gọi điện từ Tokyo về Hà Nội để nhờ vả “các thế lực… thân thiện”. Tôi tự nhủ mình không làm điều gì đáng hổ thẹn, chỉ muốn mọi việc được thực hiện theo đúng luật, nếu như ở Việt Nam có những thứ thực sự được gọi là luật. Sau khi sự việc này được chúng tôi thông báo tới Cục giám quan của Tổng cục hải quan, đích thân Chánh Văn phòng Hội MTVN Mai Ngọc Oanh đã phải ra sân bay nhận tranh. Trong e-mail gửi tôi Oanh viết: “Lạ thật, cũng vẫn những giấy tờ ấy, cũng vẫn những con người ấy, nhưng mọi việc lần này diễn ra trót lọt, tất cả 7 lô tranh đã được đưa về Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền mà không phải nộp một xu nào!”. Như thế là sau 3 lần đi lại trên quãng đường 45 phút chạy xe hơi giữa Hà Nội và sân bay, cuối cùng Hội MTVN cũng đã nhận được tranh. Tôi cũng không thể tìm ra cách giải thích nào khác cho sự cố trên ngoài 3 lý do sau đây:

  1. ở Việt Nam vẫn còn những người có quyền chỉ thích “hành” dân,
  2. ở Việt Nam vẫn còn những người có quyền muốn “vòi tiền” của dân,
  3. Việt Nam vẫn còn những người không sợ bất cứ luật lệ gì ngoài lệnh của thủ trưởng trực tiếp của họ.


2. Vietnam Airlines đổi mới

Ngoài những vụ tai tiếng gần đây về chuyện mua động cơ nọ cắm vào máy bay kia, cho con cháu các quan chức đi học sai chính sách, phi công “ngủ quên” khi cầm lái, hay ông tổng giám đốc mắng phóng viên một hãng thông tấn uy tín quốc tế là vô văn hoá và ra câu “tuyên ngôn” à la Descartes “Tôi không thích, vì tôi chưa thích” v.v., hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines vốn thường bị hành khách kêu ca về thái độ phục vụ. Tôi cũng đã từng được chiêm ngưỡng vẻ mặt khinh khỉnh, nghe những câu nói trống không của các cô tiếp viên xinh đẹp của Vietnam Airlines trong những lần bay trước. Song lần này thì có khác. Phải công nhận Vietnam Airlines đã có một bước tiến rõ rệt trong thái độ phục vụ. Các cô tiếp viên ân cần chỉ bảo cho tôi cách mở bàn ăn, thay tai nghe bị hỏng, gọi tôi bằng chú, gọi vợ tôi bằng cô, xưng cháu. Khi phát hiện ra toàn bộ màn hình của hàng ghế chúng tôi ngồi bị trục trặc, không xem phim được, một nam tiếp viên đã ngồi hẳn xuống trước mặt chúng tôi xin lỗi: “Cháu thành thực xin lỗi cô chú. Tàu của chúng cháu phải sử dụng quá nhiều nên không kịp sửa”. Anh ta nhắc đi nhắc lại như vậy nên chúng tôi đành chịu chứ biết làm sao bây giờ. Nghe đâu các hãng hàng không bên Mỹ khi xảy ra trường hợp tương tự thì ngoài lời xin lỗi, còn đưa cho hành khách một voucher để nhận 30 đô-la bồi thường. Tuy nhiên chắc phải đợi vài APEC nữa diễn ra tại Việt
Nam thì may ra Vietnam Airlines mới có được điều kỳ diệu đó. Tạm thời tôi cho rằng lời xin lỗi thành khẩn như vậy đã là một tiến bộ vượt bậc của hãng hàng không quốc gia Việt Nam rồi.


3. Đổi mới tại sân bay Nội Bài

Tôi đã đi nhiều nước, nhưng chưa nước nào lại có nhân viên kiểm tra hộ chiếu nhập cảnh từng làm tôi khó chịu như Việt
Nam. Cảm giác khó chịu lại tăng lên gấp đôi vì Việt Nam lại chính là quê hương của tôi. Thông thường họ giữ bộ mặt rất thiếu thân thiện, nhìn khách nhập cảnh như “Nguyễn Viết Xuân nhằm thẳng quân thù mà bắn”, hỏi những câu hách dịch như: “Anh về Việt Nam làm gì?”, “Địa chỉ ở Việt Nam ở đâu?” trong khi tất cả các thông tin đó đã được viết rõ ràng trong tờ khai nhập cảnh. Họ thường “ngâm” khách tới 15 – 20 phút - khoảng thời gian đủ để họ học thuộc lòng các thông tin viết trong họ chiếu. Tuy nhiên, trong lần về này, tôi thấy có chuyển biến theo chiều hướng tốt hẳn lên. Sân bay mới, tuy nhỏ, nhưng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các nhân viên kiểm tra hộ chiếu đều trẻ, trông khôi ngô, và đặc biệt là họ không hỏi tôi câu nào, chỉ nhìn hộ chiếu rồi nhìn mặt tôi, sau đó đóng dấu nhập cảnh cho tôi đi vào. Tất cả vẻn vẹn chưa đầy 3 phút.

Sau sự cố với EMS tôi đã chuẩn bị bản sao luật hải quan, quy định của Tổng cục hải quan, và giấy phép triển lãm của Vụ Mỹ thuật để sẵn sàng “chiến đấu” với các nhân viên hải quan nếu họ gây khó dễ cho tranh tôi mang theo. Thế nhưng, lạ chưa, họ không làm bất cứ một động tác gì ngoài ra hiệu cho chúng tôi đi qua. Người ta nói đó là nhờ có APEC. Sau hội nghị thì sẽ lại đâu vào đấy như cũ. Vậy chúng ta hãy chờ xem.


4. In giấy mời và đặt khung tranh tại Hà Nội

Lúc đầu chúng tôi định in giấy mời và phong bì tại
Tokyo nhưng giá quá đắt. Tôi đành nhờ Hội MTVN in tại Hà Nội. Giá thành in 500 bản là 1.6 triệu đồng, bằng 1/5 giá in ở Nhật. Khi nhận được giấy mời từ nhà in, gia đình tôi ở Hà Nội phát hiện ra chỉ có khoảng 50% là hoàn toàn sạch sẽ. Nửa còn lại bị dính mực có thể là do chưa khô đã để giấy mời đè lên nhau. Tôi thông báo điều này với Hội MTVN. Tôi cho rằng lỗi này không phải là lỗi kỹ thuật mà là do ẩu, muốn làm nhanh cho xong nên mới bị như thế này. Sau đó tôi được thông báo là nhà in, đáng nhẽ phải loại những bản in hỏng, in bẩn ra, thì lại đóng gói tất cả gửi cho khách hàng! Cuối cùng người của Hội MTVN phải tự phân loại và thay cho chúng tôi các bản bị bẩn. Nên nhớ rằng vì thu nhập ở Việt Nam thấp hơn ở Nhật khoảng 10 lần, giá in ở Việt Nam như vậy là đắt gấp đôi so với ở Nhật nếu tính tương đối với mặt bằng thu nhập.

Vì mang cả khung tranh sang Hà Nội sẽ rất nặng, nếu gửi
EMS thì rất tốn kém, còn nếu gửi đường biển thì không biết bao giờ tới, nên chúng tôi quyết định đặt làm khung tại Hà Nội. Khoảng 1 tháng trước ngày triển lãm khai mạc tôi gửi kích thước và mẫu qua e-mail về Hà Nội. Tôi đi tiền trạm đến Hà Nội chiều ngày 31/10, thì 9 giờ sáng ngày 1/11 tôi đã có mặt tại Hội MTVN cùng với con trai tôi. Tôi dẫn cháu đi theo để cháu quen với đối thoại tiếng Việt vì cháu sẽ làm nhiệm vụ phiên dịch Việt - Nhật trong thời gian triển lãm của chúng tôi. Tuy đã hẹn 9 giờ, nhưng đến 10 giờ mới thấy người làm khung xuất hiện. Cậu ta cười và không hề đưa ra một lời giải thích hoặc xin lỗi về việc trễ hẹn của cậu. Thằng con tôi sống tại Nhật từ khi lên 6 tuổi đến nay sắp tròn 19 tuổí thấy vậy ngạc nhiên lắm. Nhưng chỉ vài hôm sau cháu đã hiểu ngay là đồng bào của nó ở Việt Nam ít khi đúng hẹn, và cháu cũng bình tĩnh khi bản thân mình trễ hẹn!

Tối 6/11 chúng tôi lắp khung tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền. Có lẽ đó là một trong những giờ phút hạnh phúc nhất của triển lãm vì ngày khai mạc đã đến rất gần kề để người ta còn có thể tưởng tượng và hồi hộp hy vọng, nhưng nó vẫn chưa xảy ra để người ta phải mệt mỏi và tiếc nuối. Khung và tranh được bày la liệt ra sàn. Mặt trước của các khung được đánh nhẵn và sơn phết nói chung là đẹp, nhưng phía sau (phần người xem không nhìn thấy) thì tạm bợ xù xì. Mấy hôm sau, trên đường đi tham quan vịnh Hạ Long, một hoạ sĩ Nhật, nhìn những ngôi nhà bên đường, hỏi: “Tại sao nhà ở Việt
Nam chỉ có mặt tiền là đẹp còn hai bên hông thì sơ sài không trát vữa hay trang trí gì cả?” Tôi trả lời: “Chúng cũng giống như những cái khung làm tại Việt Nam vậy: Chỉ có mặt trước là đẹp.” Anh bạn hoạ sĩ Nhật không hiểu câu nói của tôi. Anh chưa hiểu rằng người Việt Nam phần nhiều chỉ chuộng hình thức bề ngoài. Cứ nhìn cách trang trí hoa chào mừng APEC trên đường phố Hà Nội cũng có thể thấy sự độc đáo của tính hình thức: chỉ có lá là thật còn hoa là giả. Một người bạn nghệ sĩ của tôi nhận xét: “Nghệ thuật sắp đặt này có giá trị triết học sâu sắc. Nó phản ánh một hiện thực xã hội: Ở Việt Nam thật giả lẫn lộn”. Khi Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn tôi nhân triển lãm này, phóng viên có hỏi cảm xúc của tôi về những thay đổi ở Việt Nam. Tôi nói là lần này về tôi thấy có nhiều tiến bộ hơn hẳn những lần trước, phố xá sạch sẽ hơn (tuy là các bạn hoạ sĩ Nhật của tôi có hỏi: “Sao đường phố ở đây bẩn như thế này?”), xe cộ đi lại trật tự hơn, người ta đã biết dừng xe trước đèn đỏ (tuy là các bạn hoạ sĩ Nhật của tôi cho rằng giao thông ở Hà Nội là cực kỳ hỗn loạn), thái độ của cán bộ sân bay niềm nở hơn, trông họ đẹp trai tuấn tú và trẻ hơn những người tiền nhiệm, mọi thủ tục cũng nhanh hơn nhiều so với năm ngoái. Tôi hy vọng rằng sự tiến bộ đó sẽ được duy trì và phát huy mãi chứ không phải chỉ như hoa và khẩu hiệu trang trí cho hội nghị APEC, hội nghị kết thúc thì lại bị dỡ bỏ, đâu lại vào đấy! Tôi không biết Đài Tiếng nói Việt Nam có cắt nhận xét này của tôi khi phát thanh phỏng vấn đó không, nhưng tôi đã nói được điều tôi suy nghĩ.


5. Trung tâm Mỹ thuật Đương đại (TTMTĐĐ)

TTMTĐĐ ở 621 đường La Thành và Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền là hai cơ sở của Hội MTVN. Tám trong số 12 nghệ sĩ tham gia triển lãm “13 tầm nhìn từ Nhật Bản” ở tại TTMTĐĐ. Trước khi chúng tôi đến Hà Nội, một người bạn thân của tôi từ Sài Gòn gửi e-mail cho tôi viết: “Em nghe nói anh định cho các vị khách Nhật của anh ở hotel 6 USD một tối phải không? Coi chừng bị rệp cắn đấy nhé!” Tôi chưa từng tới TTMTĐĐ nên ngay sau khi về tới Hà Nội, ngày 1/11 tôi đã đi cùng bà Chánh Văn phòng Hội MTVN đến trung tâm ngay.

Quang cảnh tôi nhìn thấy khi đến nơi làm tôi hơi bị “choáng”: Cả toà nhà ở trong tình trạng đang được sửa chữa. Cầu thang từ tầng 1 đến tầng 3 đầy bụi đất, tường sơn chưa xong, mùi sơn nồng nặc. Các phòng nơi các hoạ sĩ Nhật sẽ ở khá lộn xộn: những chiếc giường được tháo ra và đang được đánh vec-ni dở dang. Trong phòng hội thảo, nơi sẽ diễn ra cuộc giao lưu với các nghệ sĩ tham gia triển lãm vào sáng 9/11, bàn ghế tứ tung, một loạt đầu tượng bằng đồng đen xì đứng trong một góc ngay cạnh cửa ra vào. Bà Oanh cũng có vẻ lo nên nói:

“Thế này thì có kịp không?”

“Yên tâm! Mùng 7 họ mới sang, còn một tuần nữa kia mà. Thứ Hai (6/11) sẽ dọn, cạo sơn toàn bộ cầu thang.”

“Mùng 7 là thế nào?
Mùng 5 họ sang rồi!”

"Sao bảo mùng 7?"

“Mùng 7 đâu!
Đã gửi fax báo rõ lịch sang cho trung tâm rồi kia mà!”

“Thế à!
Thế mà đây cứ tưởng mùng 7 mới sang! Thế mấy giờ ngày mùng 5 họ sẽ sang?”

“3 giờ chiều!”

“Thế thì anh em sẽ phải dốc toàn lực ra mà làm cho kịp thôi!”


Chiều mùng 4/11, để cho chắc ăn tôi và bà Oanh lại đến TTMTĐĐ một lần nữa. Lần này quang cảnh khác hẳn, như có một điều thần kỳ vừa xảy ra! Cổng vào đã được sơn xanh. Cầu thang đã được lau sạch. Tường treo đầy tranh. Các phòng ở của các hoạ sĩ Nhật đã khá tinh tươm, với đầy đủ khăn bông, nước nóng lạnh, hoa trên bàn. Giám đốc TTMTĐĐ Đoàn Hồng nói:

“Gớm, hôm qua thì Chủ tịch Hội đồng Mỹ thuật đến xem, trưa nay ông chủ tịch Hội đang họp Quốc hội cũng chạy về thị sát, bắt thay tất cả các khăn mặt bằng khăn bông to, bây gìờ lại đến Chánh văn phòng và đại diện đoàn Nhật đến kiểm tra làm anh em chúng tôi hơi phải ‘Lê Huy Tiếp’ (“tiếp đón”) đấy.”

Tại sảnh tầng 2 các tượng chân dung đồng đen đã được xếp ngay ngắn trên bệ. TTMTĐĐ cho biết đây là chân dung các cụ hoạ sĩ được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Trung tâm định làm một hương đồng đặt trước hàng tượng cho thêm phần trang nghiêm, nhưng vì ba cụ trong số đó vẫn còn sống nên tạm thời chỉ để lọ hoa.

Phòng hội thảo cũng đã được bày biện lại. Máy chiếu LCD của trung tâm bị cháy bóng mà Hội chưa cấp tiền mua bóng mới, nên sẽ phải đi thuê máy. Lo là nếu không thử máy trước với PC của tôi thì đến buổi giao lưu sẽ gặp trục trặc, tôi đã tự tra cứu các địa chỉ cho thuê LCD projector ở Hà Nội và tìm ra một công ty ở rất gần TTMTĐĐ. Tôi đến tận nơi để thử máy. Giám đốc rất trẻ. Cậu ta niềm nở nói:

“Giá thuê của chúng em là 150.000 đồng. Còn nếu anh muốn lấy hoá đơn đỏ để cơ quan thanh toán thì thích ghi ‘vênh’ bao nhiêu em sẽ ghi cho anh và chúng em sẽ thu 15% giá thuê.”

Cách diễn giải “trong sáng” và “thoáng” của cậu làm tôi rất ấn tượng. Một đồng nghiệp hoạ sĩ Hà Nội đã đọc cho tôi hai vế đối như sau mà ông bảo tôi phải lấy giấy bút ghi vào để khỏi quên:


Đông qua, Xuân về, cũ cũng mặc, mới cũng mặc, cũ mới đều mặc.
Năm hết, Tết đến, to cũng ăn, nhỏ cũng ăn, to nhỏ đều ăn.


Rồi ông ta than: “Như thế thì chống tham nhũng thế nào được!”. Khi tôi nhận xét là thấy Quốc hội dạo này đấu tranh hăng ra phết đấy chứ thì ông ta lại nói:

“Hà! Quốc hội bây giờ cũng điện tử hoá nhé. Các đại biểu Quốc hội muốn phát biểu thì phải ấn nút đăng ký nhưng số ý kiến lại bị hạn chế đến 20 nên nếu ông là người thứ 21 thì có ấn nút cũng vô tác dụng. Vì thế mới có câu rằng: ‘Các đại biểu Quốc hội chỉ sờ nhưng không ấn, vì có ấn cũng không vào’.”

Chiều mùng 5/11 đoàn nghệ sĩ Nhật đầu tiên tới Hà Nội. Hội MTVN cho xe và cử người ra tận sân bay Nội Bài đón đoàn. Tôi tới TTMTĐĐ để gặp họ. Sau khi nhận phòng, việc đầu tiên là đổi tiền. Về việc này, một hoạ sĩ phụ trách tại TTMTĐĐ đề xuất:

“Có 3 phương án. Phương án 1: các bạn Nhật tự ra phố đổi tiền. Họ sẽ bị ‘chém đẹp’ vì họ là người ngoại quốc. Phương án 2: ông Đăng dẫn họ đi đổi tiền. Cũng vẫn bị thiệt, vì trông ông nó biết ngay là ‘Việt kiều’. Phương án 3: các vị không phải đi đâu hết, cứ đứng đây và đưa tiền cho tôi. Tôi sẽ đi đổi cho các vị theo đúng giá hối đoái hiện nay.”

Tất nhiên là chúng tôi theo phương án 3. Các hoạ sĩ Nhật đưa ngoại tệ cho hoạ sĩ Việt
Nam nọ. Anh ta cầm tiền chạy đi. Khi chúng tôi lững thững đi ra đến đầu cầu thang tầng 3 để xuống phố, thì đã thấy hoạ sĩ Việt Nam đổi tiền xong trở về. Các hoạ sĩ Nhật há mồm kinh ngạc. Tất cả “dịch vụ” đổi tiền diễn ra trong vòng không đầy 5 phút. Hôm sau tôi có hân hạnh dẫn một hoạ sĩ Nhật ra đổi tiền tại công ty vàng bạc Việt Nam ở Bờ Hồ. Đầu tiên anh ta phải xếp hàng tại một cửa để nộp đô-la cho một nữ nhân viên. Sau đó anh nhận một tờ phiếu từ nữ nhân viên đó đem sang một cửa thứ hai để nộp cho một nữ nhân viên khác. Cô này đếm tiền Việt Nam trả cho anh ta. Xem ra về khoản này TTMTĐĐ nhanh hơn ngân hàng của nhà nước Việt Nam.


6. Quán “Cây Sơn”

Tôi được nghe nói về Saeko Ando từ mấy năm về trước khi cô triển lãm tranh sơn mài tại gallery Tự Do ở Sài Gòn. Sau khi học sơn mài từ các nghệ nhân tại Hà Nội vài năm cô đã cùng một số hoạ sĩ trẻ mở gallery Cây Sơn tại 135 Nghi Tàm. Có lẽ cô Ando sẽ đi vào lịch sử mỹ thuật Việt
Nam như người đầu tiên dạy lại kỹ thuật vẽ truyền thống này một cách có hệ thống từ A đến Z bằng tiếng Anh cho người ngoại quốc. Có một điều lạ là giới hội hoạ Hà Nội chẳng mấy người nhắc đến tên cô. Khi tôi hỏi hai ông chủ tịch Hội MTVN và Hội MT Hà Nội (MTHN) là Saeko Ando có là hội viên không, tôi được trả lời là vì Hội MTVN và Hội MTHN do Nhà nước quản lý hoạt động theo đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng nên chỉ có công dân Việt Nam mới có thể trở thành hội viên Hội MTVN và Hội MTHN. Chẳng bù cho các hội mỹ thuật ở Nhật, vì là của tư nhân, nên ai cũng có thể trở thành hội viên, bất kể là người nước nào, miễn là được các hội viên khác công nhận. Ngoài ra, ở Việt Nam, có thể do mặc cảm, người ta cố tình nhấn mạnh vấn đề đẳng cấp, cố tình phân biệt giữa “chuyên nghiệp” và “nghiệp dư”, cố tình tách biệt giữa những người được đào tạo trong trường mỹ thuật với các nghệ sĩ tự học, mặc dù ai cũng hiểu rất rõ rằng giá trị của nghệ thuật không được quyết định bởi những yếu tố trên. Thực tế ở Việt Nam đã và đang cho thấy có rất nhiều bằng cấp, học vị chỉ hữu danh mà vô thực. Có nhiều người mang danh giáo sư mà đến tiếng mẹ đẻ nói vẫn còn sai văn phạm. Có những tiến sĩ vật lý không biết vận tốc ánh sáng bằng bao nhiêu. Trong số 11 sinh viên đại học năm thứ 3 hoặc đã đậu thạc sĩ mà tôi phỏng vấn để tuyển nghiên cứu sinh làm tiến sĩ năm ngoái tại trường đại học khoa học tự nhiên có đến 9 – 10 em không phân biệt nổi boson và fermion – những khái nhiệm tối thiểu khi học cơ học lượng tử. Trong khi đó có ai biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tốt nghiệp nhạc viện nào? Cô Ando chưa hề được đào tạo về sơn mài tại đại học mỹ thuật Việt Nam. Người nổi tiếng nhất trong làng tạo mẫu Việt Nam đương đại có lẽ là bà Minh Hạnh nghe nói trở thành nhà tạo mẫu cũng bằng tự học.

Học viên ngoại quốc đang tập làm tranh sơn mài tại “Cây Sơn”

Trước ngày khai mạc triển lãm, tôi đưa các hoạ sĩ Nhật Bản đến thăm xưởng vẽ Cây Sơn của cô Saeko Ando. Cô Ando là một phụ nữ xinh đẹp và thông minh. Cô nói tiếng Việt khá giỏi. Cách phát âm tiếng Việt hơi lơ lớ lại khiến cô càng dễ thương hơn. Trong một buổi sáng cô giới thiệu cho chúng tôi về xưởng vẽ Cây Sơn. Cô nói rằng ở Việt Nam cô thấy có nhiều người vẽ sơn mài giỏi về kỹ thuật nhưng lại yếu về hội hoạ, còn những hoạ sĩ sơn mài giỏi về mặt hội hoạ thì lại yếu về kỹ thuật. Cô muốn vẽ được những bức sơn mài đạt độ chín cả về kỹ thuật lẫn hội hoạ. Chúng tôi được mục kích các học trò người Nhật, Italia, Ấn Độ,… của xưởng Cây Sơn miệt mài gắn vỏ trứng, mài sơn v.v. Chúng tôi ăn trưa ở nhà hàng trong xưởng. Giữa Hà Nội hỗn độn xe cộ, ô nhiễm vì khói xăng, bụi bặm, tiếng ồn của còi xe bóp vô tội vạ, của tiếng người í ới gọi nhau đủ loại, quán Cây Sơn với những mái lá, vườn cau, ánh nắng xiên xiên trong một không gian tịch mịch, lấp loáng màu tranh sơn mài treo trên các bức tường, bỗng chốc biến thành một vườn Địa Đàng.

Tôi hỏi cô Ando về Việt
Nam. Cô nói:

“Ở Nhật mọi người sống theo luật pháp. Cái gì không làm được đối với một người thì cũng không làm được với mọi người. Ở Việt
Nam nếu biết cách thì mình có thể làm được những việc mà không người nào làm được. Vì thế em thích sống ở Việt Nam hơn.”

Nếu Ando hỏi tôi về Nhật câu trả lời của tôi có lẽ cũng tương tự như vậỵ Tôi sẽ nói:

“Ở Việt
Nam để làm được một việc bình thường đối với một người bình thường thật khó khăn (Chuyện đi lấy tranh gửi EMS ở sân bay Nội Bài ở trên đây là một ví dụ). Tài năng không được đánh giá đúng. Vàng thau lẫn lộn. Ở Nhật, luật pháp rõ ràng, tự do biểu hiện được tôn trọng, người tài được trọng dụng và trả lương cao. Tôi có thể làm được những gì tôi thích. Vì thế tôi thích sống ở Nhật.”


7. Khai mạc triển lãm & giao lưu

Ba giờ chiều ngày 8/11 Hội MTVN tổ chức họp báo triển lãm “13 tầm nhìn từ Nhật Bản”. Tôi tưởng tượng cuộc họp báo sẽ có nhiều người hỏi liên tiếp và các hoạ sĩ sẽ không kịp trả lời. Đến khi họp báo bắt đầu, tôi mới lấy làm ngạc nhiên khi thấy các phóng viên đến dự họp báo đều rất trẻ. Họ khá rụt rè ngồi mãi ở hàng ghế dưới, để dành hàng ghế đầu cho các bậc cao niên. Khi được hỏi có câu hỏi gì không, tất cả các nhà báo đều im lặng, như các sinh viên (châu Á) khi bị thày giáo hỏi vậy. Cuối cùng một nhà báo cất tiếng hỏi một nhiếp ảnh gia Nhật về cảm giác của ông ta sau 13 lần đến Việt
Nam. Người Nhật vốn không quen bộc lộ cảm xúc của mình bằng lời, nhất là ở chỗ công cộng, nên nhiếp ảnh gia này lúng túng như gà mắc tóc mất một lúc, trước khi tìm đước câu mở đầu.

Bốn giờ rưỡi triển lãm khai mạc. Rất long trọng. Có phát biểu, tặng hoa, cắt băng, sâm banh và rượu vang đỏ. Khá đông người tới dự, chen vai thích cánh, trong đó ngoài một số hoạ sĩ còn có cả nguyên phó chủ tịch nước, thứ trưởng văn hoá, thứ trưởng ngoại giao, v.v., rồi các bạn bè, họ hàng của tôi. Trong số các bạn và người quen của tôi, ngoài các hoạ sĩ hội viên Hội MTVN, còn có nhạc trưởng người Nhật Tetsuji Honna, các nghệ sĩ cello Ngô Hoàng Quân và Trần Thị Mơ, các đồng nghiệp vật lý, trong đó có giáo sư người Pháp Pièrre Daruillat và vợ, ông Nguyễn Lân Bình – cháu nội của cụ Nguyễn Văn Vĩnh, đến cùng với đạo diễn điện ảnh Trần Văn Thủy và cameraman Nguyễn Sĩ Bằng. Tôi sẽ còn viết về họ ở bên dưới. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến cùng với nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh. Trong một bài viết của mình tôi từng trích dẫn câu thơ bất hủ của ông Sinh: “Tự do sướng nhất trên đời/ tự lừa lại sướng hơn mười tự do”, nay được ông tặng cả tập thơ, tôi lấy làm cảm kích lắm. Các phóng viên vây quanh tôi và hỏi nhiều câu hỏi liên quan đến một số bức tranh của tôi. Tôi thấy phần lớn họ thiếu kiến thức về mỹ thuật và lại không chuẩn bị trước khi đến triển lãm. Họ hỏi những câu rất cụ thể như “Anh vẽ cái này nhằm nói lên cái gì?”, “Cái này có nghĩa là gì?” và có vẻ như chỉ chờ những câu trả lời của chính tác giả để chép lại đăng báo. Tôi cố diễn giải cho họ hiểu là mục đích cuối cùng của mọi nghệ thuật là cái hiệu quả (effect) gây cho người thưởng thức, rằng những người xem khác nhau, tùy theo trình độ học vấn, nền tảng văn hoá, kinh nghiệm sống v.v. sẽ có những rung động khác nhau trước cùng một bức tranh, rằng nếu tôi có thể diễn tả được hội hoạ và âm nhạc bằng lời văn thì tôi chẳng cần hội hoạ và âm nhạc làm gì nữa v.v. Xem ra cách giải thích của tôi không có mấy sức thuyết phục đối với các cô phóng viên trẻ đẹp.

9 giờ sáng ngày 9/11 TTMTĐĐ tổ chức giao lưu với các nghệ sĩ của triển lãm. Phòng toạ đàm trang hoàng đẹp đẽ với một pa-nô to treo ở góc nhà, in màu theo mẫu do tôi vẽ. Tôi nhớ lại lần triển lãm cá nhân cuối cùng của tôi tại Việt
Nam 15 năm về trước. Khi đó pa-nô triển lãm còn phải vẽ tay bằng bột màu trên nền vải. Treo ngoài đường khi trời mưa to, màu chảy xuống thành vệt. Bây giờ tất cả các pa-nô, áp-phích quảng cáo đều được in màu từ file trong máy vi tính lên vải nhựa, rất nhanh và rẻ. Chẳng mấy ai vẽ pa-nô bằng tay nữa. Các bàn trong phòng toạ đàm đều được trải khăn trắng và có bày lọ hoa, trông rất … “APEC”, theo lời của phó giám đốc TTMTĐĐ. Trong dịp chuẩn bị cho APEC tại Hà Nội, từ “hoành tráng” đã được nhiều người Hà Nội thay bằng từ “APEC” .

Khai mạc triển lãm “13 tầm nhìn từ Nhật Bản” tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền – Hà Nội, 8/11/2006

Tại buổi toạ đàm, hoạ sĩ Saito Nozomi thuyết trình về hội hoạ Nhật Bản ngày hôm nay, nhiếp ảnh gia Osami Arikata nói về nhiếp ảnh tại Nhật Bản, hoạ sĩ Fujita Toshiya nói về màu đỏ trong quan niệm và kỹ thuật sáng tác của ông. Sang phần thảo luận, thính giả yêu cầu tôi nói về đời sống hội hoạ ở Tokyo trong con mắt của một người Việt Nam (là tôi). Buổi giao lưu có cô Saeko Ando giúp phiên dịch giữa tiếng Nhật và tiếng Việt. Trong phần hỏi đáp, một nhà phê bình mỹ thuật Việt Nam, trong khi liên hệ tới thuyết trình của hoạ sĩ Fujita, có ý chê màu sơn dầu. Ông ta nói: “Dùng màu đỏ hay màu đen cho đúng độ… khó lắm! Nếu để màu đỏ của sơn dầu cạnh màu đỏ của sơn mài thì màu sơn dầu trông tái nhợt đi.” Tôi cho rằng, có lẽ vì ông không phải là hoạ sĩ nên nhận xét của ông hơi bị duy ý chí. Tại Hà Nội lần này tôi đã được xem không dưới hai triển lãm tranh sơn mài, trong đó có triển lãm “Tranh sơn mài Việt Nam” khá lớn được tổ chức tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Tôi dám nói rằng những gì tôi thấy ở đó chỉ là những phủ nhận khẳng định trên của nhà phê bình mỹ thuật nọ. Tại triển lãm “Tranh sơn mài Việt Nam” có nhiều bức tranh trông chẳng khác gì những bức được vẽ bằng sơn dầu hay tempera, tức là không thấy hiệu quả hội hoạ đặc biệt gì của sơn mài trong đó. Đấy là chưa kể đến khả nắng biểu hiện về hội hoạ rất hạn chế trong tranh sơn mài mà nhiều hoạ sĩ đã từng trải nghiệm. Vì thế, trong khi nhất trí rằng cần giữ gìn và phát triển hội hoạ sơn mài như một thứ mỹ thuật truyền thống, tôi nghĩ cũng không nên quá bốc đồng mà đưa sơn mài Việt Nam lên tận mây xanh. Lại càng không nên so sánh sơn mài với sơn dầu, cũng như không nên so sánh đàn nhị với đàn violin vậy! Xin đừng quên rằng chính những người thày Pháp đầu tiên là Victor Tardieu và Joseph Inguimberty đã đưa sơn mài vào chương trình học của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Nhờ đó các hoạ sĩ Việt Nam đã học được cách kết hợp chất liệu và kỹ thuật vẽ sơn mài Việt Nam với quan niệm hội hoạ châu Âu như luật viễn cận, sáng tối, tỉ lệ cổ điển v.v. để đưa hội hoạ sơn mài đến vị thế nó có ngày hôm nay. Cần nói thêm rằng, Victor Tardieu chưa bao giờ tin vào khả năng vẽ sơn dầu của người Việt Nam. Tất nhiên là ông ta đã nhầm. Lịch sử đã chứng minh rằng, nếu học hành đến nơi đến chốn thì người Việt Nam có thể vẽ sơn dầu rất giỏi cũng như người Nhật hay người châu Âu, châu Mỹ có thể vẽ sơn mài rất giỏi vậy. Tất nhiên là những người đó phải có tài. Tài năng không chọn dân tộc hay quốc gia để hạ cánh. Nhưng tài năng có thể bị thui chột nếu phải nảy mầm trên mảnh đất cằn cỗi.


8. Sự ra đời của chữ Quốc ngữ (Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh)

Đó là tên bức sơn dầu tôi vẽ năm 2001 để tưởng nhớ hai đại diện kiệt xuất cho sự truyền bá chữ Quốc ngữ ở Việt Nam, Alexandre de Rhodes và Nguyễn Văn Vĩnh. Đây là một trong bảy bức tranh tôi đem về Hà Nội triển lãm cùng với các nghệ sĩ Nhật Bản lần này, trùng với lần thứ 70 ngày giỗ cụ Vĩnh. Từ nhỏ tôi đã được nghe bố tôi kể nhiều về “Tân Nam tử” Nguyễn Văn Vĩnh khi mà sách báo chính thống tại miền Bắc Việt Nam còn gọi Alexandre de Rhodes là gián điệp và Nguyễn Văn Vĩnh là bồi bút của Pháp.

Trong một lần về thăm nhà vào năm 2000, tình cờ tôi được đọc một số tài liệu cũ về thân thế và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Vĩnh do ông Nguyễn Kỳ - một trong mười con trai của cụ Vĩnh - sưu tầm. Lần đầu tiên tôi được biết đến cái chết của ông Vĩnh (năm 1936) trong một con thuyền độc mộc trên một dòng sông gần Sepole (Lào) nơi ông sang tìm vàng sau khi toà soạn của ông vỡ nợ. Trong tay ông còn nắm chặt một cây bút và một cuốn sổ. Ông đang viết dở thiên phóng sự “Một tháng với những người đi tìm vàng”.

Câu chuyện đầy huyền thoại về cái chết của cụ Vĩnh làm tôi đặc biệt xúc động. Ngay lập tức tôi đã hình dung ra bố cục của bức tranh. Quay trở lại
Tokyo, tôi bắt tay vào phác thảo. Bức tranh “Sự ra đời của chữ Quốc ngữ (Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh)” đã ra đời như vậy. Theo hiểu biết của tôi, đây là bức tranh đầu tiên và cho đến giờ vẫn là duy nhất vẽ về Alexandre de Rhodes và cụ Nguyễn Văn Vĩnh như những danh nhân văn hoá trong việc phổ biến chữ Quốc ngữ. Nhờ có bức tranh này mà cách đây hai năm tôi được làm quen với ông Nguyễn Lân Bình – cháu nội của cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Ông Bình cho biết ông và gia đình ông đã rất xúc động khi tình cờ nhìn thấy bức tranh này trên trang web của tôi. Hiện nay ông Bình đang hợp tác với đạo diễn điện ảnh Trần Văn Thủy – tác giả của các bộ phim tài liệu Hà Nội trong mắt aiChuyện tử tế nổi tiếng một thời trong thời kỳ đêm trước cuộc đổi mới ở Việt Nam - để dựng một bộ phim tài liệu về cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Ông nói họ dự định sẽ có đoạn quay chi tiết bức tranh của tôi trong phim. Chính vì vậy, tại triển lãm lần này ông đã mời đạo diễn Trần Văn Thủy và cameraman Nguyễn Sĩ Bằng tới phỏng vấn và quay phim tôi trước bức tranh nói trên ngay tại phòng triển lãm [2] . Ông Thủy nói rằng ông rất mừng vì theo ông cuộc gặp gỡ của chúng tôi là do duyên số. Ông nói trong dịp đi Pháp để quay phim về cụ Vĩnh vừa qua, đoàn làm phim đã đến tận Avignon – quê hương của Alexandre de Rhodes - để quay bức tượng của ông với dòng chữ “Alexandre de Rhodes – giáo chủ xứ Tonkin”. Ông Thủy còn nói rằng lý do họ quay thành phố Avignon với tượng Alexandre de Rhodes là vì có bức tranh của tôi trong phim. “Bởi nếu không có bức tranh của Nguyễn Đình Đăng, không có lý do gì khi khiến chúng tôi phải nhắc đến Alexandre de Rhodes trong phim cả!”ông Thủy khẳng định.

Nguyễn Đình Đăng Sự ra đời của chữ Quốc ngữ (Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh) 2001, sơn dầu, 65 x 80 cm

Sau khi triển lãm khai mạc vài ngày, ông Nguyễn Lân Bình mời tôi đến thăm gia đình ông. Tại đây tôi được chiêm ngưỡng và ngồi trên một trong hai chiếc tràng kỷ do chính cụ Nguyễn Văn Vĩnh đặt làm năm 1919. Đôi tràng kỷ này rất đặc biệt. Hình dáng thì có vẻ vẫn theo lối cổ, kiểu Tàu. Song những hình vẽ được khảm trai trên đó lại là hình minh hoạ truyện ngụ ngôn của La Fontaine, còn chữ viết, cũng được khảm trai, là chữ Quốc ngữ khắc theo bút tích và chữ ký của chính cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Đây có lẽ là đôi tràng kỷ có khắc chữ Quốc ngữ với gần 90 năm tuổi duy nhất ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Vì thế chúng thật sự là vô giá. Con trai tôi nói cháu vừa ngồi vừa run sau khi biết mình đang dựa lưng vào một thế kỷ quá khứ. “Thế mà chỗ dựa đó lại cứ lung la lung lay” – cháu nói. Đôi tràng kỷ được kê trước bàn thờ gia tộc, với nhiều ảnh chân dung. Chân dung cụ Nguyễn Văn Vĩnh to nhất treo trên cùng. Trên bức tường bên cạnh, một bức ảnh màu chụp bức tranh “Sự ra đời của chữ Quốc ngữ (Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh)” của tôi được lồng khung mạ vàng, có đèn chiếu hắt từ dưới lên, treo ở chính giữa. Hai bên là những bức ảnh chụp cụ Vĩnh, kèm hai bài báo viết về cụ Vĩnh được lồng khung kính trang trọng. Một bài do chính tôi viết đăng ở báo Quân đội Nhân dân.

Lưng tràng kỷ có bút tích và chữ ký của cụ Nguyễn Văn Vĩnh

Ông Bình mời chúng tôi dùng bữa trưa với gia đình ông. Đồ ăn do một người bạn của gia đình, chủ một tiệm ăn, mang tới. Ông chủ tiệm ăn cười và nói: “Trước tôi tốt nghiệp kỹ sư cơ khí ở Rumania. Bây giờ làm công tác phục vụ nhân dân.” Đã bắt tay từ biệt chúng tôi, ra đến cửa rồi, nhưng sau khi nghe nói tôi là tác giả bức tranh treo trên tường, ông chủ tiệm ăn lại chạy vào để bắt tay tôi một lần nữa. Ông Bình giới thiệu chúng tôi với vợ ông, hai con gái, và bạn trai của cháu gái lớn. Hai con gái của ông Bình đều xinh đẹp, thông minh, và ngoan, thật xứng đáng là F4 của cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Bạn trai của cháu gái lớn dáng to khỏe, đẹp trai, trông như tài tử Hàn Quốc. Tôi được ông Bình cho biết cậu là F5 của cụ Vi Văn Định [3] . Nếu các cháu “nên vợ nên chồng” sau này thì thật là “môn đăng hộ đối.” Con trai tôi lại nhận xét: “Hai anh chị thật mệt, vì phải gánh một truyền thống của cả hai gia tộc trên vai!”

Ông Bình còn cho biết, để có tiền làm bộ phim về cụ Nguyễn Văn Vĩnh, ông đã phải thế chấp ngôi nhà 3 tầng trị giá mấy trăm triệu đồng mà ông và gia đình hiện đang sinh sống. Ông nói lúc đầu ông cũng định hợp tác với Đài truyền hình Việt Nam (THVN) để làm bộ phim này. Nhưng Đài THVN nói sẽ chỉ tài trợ được 35 triệu đồng (khoảng 2 ngàn đô-la Mỹ) và lại đòi được giữ bản quyền bộ phim. Vì thế ông đành từ chối. Ông Bình nói với con trai tôi: “Có nhiều sách báo đã viết về cụ Vĩnh, nhưng bố cháu là người đầu tiên đã đưa cụ Nguyễn Văn Vĩnh vào hội hoạ.” Trước khi chia tay gia đình ông Bình, tôi xin phép được thắp hương trước bàn thờ cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Ông Bình nói: “Cụ Nguyễn Văn Vĩnh không thể nào ngờ được một thế kỷ sau lại có người ngưỡng mộ cụ như Nguyễn Đình Đăng.”


9. Hoạ sĩ trẻ Hà Nội

Khác với những năm cuối 90, khi các galleries tranh ở Hà Nội còn đang bung ra với nhiều tác phẩm có tính nghệ thuật, có sự băn khoăn dằn vặt của tìm tòi sáng tạo, galleries ở Hà Nội bây giờ nhiều vô kể. Phần lớn bày các tranh “bờ hồ”, được vẽ trên vải bông (cotton canvas) rẻ tiền, màu sắc lòe loẹt, sơn đắp dày vô tội vạ, với các motive nghèo nàn như phố xá, thiếu nữ áo dài, sư sãi, tĩnh vật bát đũa - điếu cày - đèn dầu – bát hương v.v. Những tranh kiểu “mô-đéc” hay trừu tượng màu sắc cũng rợ không kém. Một số hoạ sĩ thời thượng mở gallery-studio ở khu trung tâm phố cổ. Đẩy cửa bước vào một gallery-studio loại này, khách có thể thấy tranh treo ở gian bên ngoài vừa để trang trí vừa để bán. Qua cửa kính khách có thể nhìn thấy chính hoạ sĩ khoảng “quá niên trạc ngoại tứ tuần”, đầu cạo trọc vẻ khổ hạnh, đang “sáng tác” ở gian bên, trong một khung cảnh xa hoa với sập gụ tủ chè, và một cô gái đứng làm mẫu hẳn hoi (tất nhiên là mặc quần áo chứ không phải khoả thân). Căn phòng chìm trong ánh sáng mờ mờ kỳ ảo và tiếng piano chơi nhạc Chopin phát ra từ một CD player. Tôi vốn mê Chopin, nhưng để thưởng thức Chopin ở đây có lẽ tôi phải học thêm “thiền”, để có thể vừa nghe vừa nhìn - nhưng không thấy - cái mũ cối màu xanh lá cây gắn sao vàng được vẽ trong bức tranh treo trên bức tường trước mặt.

Dạo chơi trên một phố dài gần Hồ Gươm một buổi sáng, tình cờ tôi thấy một triển lãm cá nhân của một hoạ sĩ vẽ tranh sơn mài. Một loạt tranh khá to treo kín 3 gian phòng lớn, được vẽ theo kiểu sơn mài mỹ nghệ, với nhiều “tông” đỏ, nâu tối, hình hoạ phẳng bẹt, không có chiều thứ ba. Một hoạ sĩ 42 tuổi mà vẽ được nhiều tranh to như thế này trong vòng 10 năm trời thì kể cũng là một thành tựu. Ngoài tôi và vợ con tôi, trong phòng tranh còn có một người nữa đeo máy ảnh đi lại chụp tranh. Đoán đó chính là tác giả, tôi tiến đến tự giới thiệu. Anh ta nói: “À! Anh là Nguyễn Đình Đăng.” Thế rồi chưa để tôi kịp lên tiếng, anh ta nói ngay, vẻ bức xúc:
“Tôi đã đến xem triển lãm của các anh. Trước khi đi xem, tôi nghĩ mình sẽ được xem tranh của Nhật Bản, ai ngờ lại toàn tranh vẽ kiểu Tây!”

Tôi định nói để anh hiểu là đó chính là You-ga (hội hoạ Tây phương) ở Nhật, và Nhật Bản còn có Nihon-ga hay hội hoạ truyền thống từa tựa như tranh sơn mài hay tranh lụa ở Việt Nam, song anh ta gạt đi:

“Không! Nhật Bản là Nhật Bản, Tây là Tây! Như tranh của tôi đây, hoàn toàn Việt
Nam, hoàn toàn mới, không giống ai hết (!) Người Nhật thì phải vẽ tranh Nhật. Người Việt Nam phải vẽ tranh Việt Nam.”

Tôi không rõ trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội đã dạy anh ta những gì để khiến anh ta phát ra những tuyên bố… ngộ nghĩnh đến vậy. Chưa hết, anh ta còn “khai hoá” cho tôi biết là vẽ tranh to “khó lắm, không đơn giản là chỉ phóng tranh kích thước nhỏ lên là xong.” Anh ta hỏi tôi ở Nhật có bao nhiêu hoạ sĩ. Tôi nói theo thống kê năm 2000 thì toàn nước Nhật có khoảng 40 ngàn người chỉ hành nghề vẽ hoặc điêu khắc. Tuy nhiên nếu tính cả những hoạ sĩ có làm thêm nghề khác để sinh sống như dạy học, hoặc nghiên cứu khoa học (như tôi), thì con số đó lên tới khoảng 300 ngàn. Anh ta nói:

“Con số chẳng nói lên điều gì cả!”

Tôi lấy làm lạ rằng nếu vậy thì anh ta hỏi tôi con số để làm gì. Ngay tiếp theo đó, chàng hoạ sĩ vung tay chỉ các bức tranh của mình và nói:

“Đây chỉ là 1/3 số tranh của tôi!”

Con số 1/3 đối với anh ta trong trường hợp này chắc là phải có ý nghĩa lắm! Cuối cùng anh ta nói với tôi:

“Anh chỉ là một hoạ sĩ nghiệp dư. Những người mê vẽ nghiệp dư như anh rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên anh không nên vẽ giống Dalí, như thế nó phí đi, nên tìm ra cái gì của riêng mình, như tôi đây.”

Đến đây thì tôi hết kiên nhẫn để ngồi lại. Tôi không ngờ một hoạ sĩ chưa già (kém tôi 6 tuổi) lại tỏ ra kiêu căng và khiếm nhã đến vậy. Bạn hãy tưởng tượng bạn đến thăm nhà một người mà vừa gặp thì đã bị chủ nhà chê là bạn mặc quần áo không đúng mốt, và phải mặc thế này hay thế kia thì mới “sành điệu”. Tôi đành đứng lên, chúc anh ta thành công và đi ra. Chàng hoạ sĩ này cũng giống như một số người Việt Nam khác mà tôi đã từng gặp, những người thích nói khá dài về bản thân mình, luôn tỏ ra là mình rất quan trọng và hiểu biết, mà không mấy quan tâm đến quan điểm của đối phương. Họ đến dự một cuộc giao lưu hay họp báo chỉ cốt để tỏ cho người khác thấy rằng: “Tôi biết cả rồi. Các ông không phải dạy tôi”, chứ không phải để thu nhận thông tin mới hay để học hỏi.

Vài ngày sau tôi được xem một phòng tranh khác của một hoạ sĩ sinh năm 1976. Cậu ta vẽ sơn dầu. Kích thước các bức tranh cũng đều khá lớn. Dạo này các hoạ sĩ trẻ ở Việt Nam có xu hướng vẽ tranh to, có lẽ do kinh tế khá lên, studio rộng ra, có tiền để mua “toan” (toile) khổ lớn v.v. Tranh của hoạ sĩ trẻ này có nhiều chất hội hoạ hơn loạt tranh mỹ nghệ của chàng hoạ sĩ sơn mài vừa nói trên. Kỹ thuật vẽ sơn dầu của cậu phải nói là khá tuy có nhiều chỗ toile được đắp sơn quá dày, bị vón cục, không rõ lý do. Hình hoạ vẽ theo lối tả thực nhưng còn xộc xệch, sai tỉ lệ nên trông hơi ngô nghê. Các đề tài cậu ta chọn về chiến tranh (đã kết thúc trước khi cậu ra đời), cảnh sống của người đạp xích lô, có vẻ hơi khiên cưỡng. Tôi cho rằng nếu cậu tập trung vẽ theo những rung động của chính cậu chứ không chạy theo những trào lưu tâm lý sáo rỗng mà đám đông thường tung hô thì tranh cậu chắc chắn sẽ hay hơn nhiều. Bức đẹp nhất trong phòng tranh này đối với tôi lại là một bức phong cảnh có một con thuyền nan trên một hồ nước, được vẽ bằng một phong cách khác tất cả những bức có tông vàng còn lại. Tôi có nhìn thấy hoạ sĩ trẻ đó tại buổi khai mạc phòng tranh của cậu. Lúc đầu tôi định nói chuyện với cậu, nhưng sau khi nhớ lại cuộc gặp gỡ với chàng hoạ sĩ vẽ sơn mài nọ, tôi đành theo phương án “chiêm ngưỡng từ xa”.


10. Cuộc sống ở Hà Nội

Tôi sẽ có thiếu sót lớn nếu không nói vài nhận xét về cuộc sống ở Hà Nội nói chung.

Hà Nội bây giờ đã to ra rất nhiều. Các cao ốc mọc lên tại trung tâm thành phố. Các khu Thành Công, Láng Hạ, Phương Mai, Nghĩa Đô, v.v. bây giờ được mở rộng. Tít về phía tây Hà Nội, gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia với mái nhà cuộn sóng biển Đông – theo ngôn từ báo chí, hay hình con giun – theo ví von của các nghệ sĩ, là các toà nhà cao 10 – 12 tầng, với những căn hộ rộng trên 120 m2. Nhiều siêu thị mọc lên, trong đó có những siêu thị khá to như BigC, Metro, v.v. Nhà hàng ăn, café, bar, vũ trường, hộp đêm bung ra chi chít. Bạn có thể ăn phở 24, được phục vụ tử tế, sạch sẽ, chỗ ngồi lịch sự giá thấp nhất là 24 ngàn đồng một bát, hay phở “quát” giá 12 ngàn, nước dùng ngầu mỡ, ngồi chen chúc, bàn ghế bát đũa bẩn thỉu, vừa ăn vừa bị nghe quát mà không hiểu sao khách ăn vẫn đông như kiến. Bạn có thể uống một li cà-phê giá 25 ngàn đồng tại một quán khá sang trọng bên bờ Hồ Gươm, hay thưởng thức một li whisky giá 50 ngàn đồng tại vũ trường N.C., trong khi quan sát các thiếu gia đang nhảy trong tiếng nhạc ù tai tức ngực dưới ánh đèn mờ ảo rọi lên sân khấu, nơi có mấy cô gái trên mình chỉ có hai mảnh vải đỏ che những chỗ tối thiểu cần che, đang quằn quại toàn thân theo những tư thế kích dục. Từ một thành phố nhỏ với những con phố êm đềm, vắng vẻ, vang tiếng guốc ai lê trong buổi trưa hè, trải qua 30 năm sau cuộc chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của vài triệu người, Hà Nội đang chuyển mình rất nhanh theo “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” để “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” trở thành một thành phố ăn chơi tiêu thụ, đắt đỏ có hạng trên thế giới.

Nhiều người ngoại quốc cho rằng Việt
Nam là một đất nước trẻ. Theo chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ thì có tới 60% dân số Việt Nam là U30. Tổng thống Mỹ khi sang Hà Nội dự APEC đã gọi Việt Nam là “con hổ non” (young tiger). Thế nhưng, tổng biên tập của một tờ báo tại Hà Nội lại có suy nghĩ khác. Ông này nói: “Cái đáng buồn của lớp trẻ hôm nay là chúng nó quá thực dụng. Cha anh chúng nó có thể có cuộc sống khó khăn hơn nhiều, có thể không giàu có như chúng nó bây giờ, thậm chí còn nghèo khổ nữa, nhưng họ đã sống có niềm tin, có lý tưởng, mong muốn vươn tới một sự cao đẹp cho con người. Thanh niên bây giờ không để ý đến bất cứ thứ gì ngoài tiền. Tôi cho rằng đó là một sự sa đoạ về nhân cách.” Sau khi nghe nhận xét này, một người bạn tôi lập tức đặt câu hỏi: “Vậy thì cái gì và ai đã đẩy thanh niên đến sự sa đoạ về nhân cách như vậy? Đấy đâu có phải là lỗi tại họ!” Có bao nhiêu câu trả lời cho câu hỏi này đây?

Khách đến Hà Nội nên cẩn thận với taxi “dù”. Đó là các xe tuy cắm “mào” taxi, nhưng là những taxi “đểu”, hay nằm đón khách dọc đường. Đồng hồ các xe này nhảy số rất nhanh, kết quả là khách đi xe thường bị ép trả một số tiền gấp 2 – 5 lần. Mấy nghệ sĩ nhiếp ảnh trong đoàn chúng tôi một hôm vẫy phải một taxi “dù” như vậy để đi từ Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền đến Nhà khách Quân đội 33 A Phạm Ngũ Lão. Họ đã đi đoạn đường này nhiều lần nên biết giá taxi chỉ vào khoảng 15 ngàn. Tuy nhiên khi đến nơi, đồng hồ taxi này chỉ 100 ngàn. Họ nhất định không trả. Hai bên giằng co. Các vị khách Nhật phải chạy vào nhà khách cầu cứu người trực ban ở đó. Sau khi có sự can thiệp của nhân viên nhà khách, anh chàng lái taxi xoay một cái nút, thế là con số 20 ngàn hiện ra trên đồng hồ thay vì 100 ngàn. Những người Nhật chấp nhận trả 20 ngàn. Một cô bạn Nhật nói với tôi rằng vấn đề ở đây không phải là 20 ngàn hay 100 ngàn, vì 100 ngàn đối với họ vẫn là rẻ (chưa đến 1 ngàn yên). Cô nói cô biết là nếu trả thêm một ít tiền thì bữa ăn hôm nay của gia đình người lái xe cũng có thể sẽ ngon hơn. Thế nhưng cô rất bối rối trước sự mất giá của đạo đức, và không chấp nhận được sự lừa đảo.

*



Câu cuối cùng các phóng viên thường hỏi khi phỏng vấn tôi tại Hà Nội là: “Anh có dự định khi nào sẽ về Việt
Nam sống không?” Tôi trả lời rằng, theo tôi, trong thời buổi toàn cầu hoá hiện nay, sống ở đâu thật sự không phải là điều quan trọng. Làm ra cái gì và sống như thế nào mới là điều quan trọng. Tôi cũng nói rằng mỗi một người Việt Nam sống ở nước ngoài là một sứ giả của Việt Nam. Sự thành công của mỗi người Việt ở nước ngoài là niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam, chưa nói còn là… nguồn thu nhập cho quê hương.

Chúng tôi rời Hà Nội quay lại
Tokyo vào đêm 16 tháng 11. Sân bay Nội Bài đông ngẹt người. Lúc qua cửa kiểm tra vũ khí, tôi và vợ tôi vào trước, con trai tôi đứng phía sau. Qua cửa rồi, quay đầu lại tôi không thấy cháu đâu cả. Lúc này tôi hoang mang thật sự, tự trách mình đáng nhẽ phải để con vào trước, mình đi sau cùng, theo đúng cách của những người đi rừng đề phòng thú dữ mới phải. Tôi đang đề nghị nhân viên kiểm tra cho quay ra tìm cháu, thì may quá đã thấy cháu xuất hiện trong hàng người phía bàn kiểm tra lệ phí sân bay. Sau khi bố con đoàn tụ, tôi hỏi cháu lí do tại sao biến mất. Cháu nói cô kiểm tra bảo cháu chưa trả tiền lệ phí sân bay. Cô bắt cháu đứng sang bên đợi. Cháu bèn bỏ đi để hỏi một nữ nhân viên khác. Cô này xem vé của cháu thấy tờ biên lai mua lệ phí kẹp ở đó, bèn nói rằng cháu không phải trả tiền gì nữa. Cháu quay lại bàn, và lần này cô nhân viên kiểm tra nọ mới “nhìn thấy” biên lai gắn trên vé của cháu.

Sau hai tuần sống trong sự sôi động, ồn ào, hừng hực của Hà Nội, với chuông điện thoại réo liên tục trong nhà và còi công an dẹp đường cho xe APEC rú liên hồi ngoài phố, trở về Wako city, tôi thấy thành phố nhỏ bé của chúng tôi bỗng trở nên thật yên tĩnh và thanh bình biết bao. Mở đống quà lưu niệm mang từ Hà Nội về Nhật, tôi lấy ra đĩa DVD bộ phim của đạo diễn Trần Văn Thủy. Bên dưới đầu đề Hà Nội trong mắt ai có in dòng chữ: Bị cấm từ 1982 đến 1987. Giải Bông sen vàng Liên hoan phim quốc gia 1988.

Viết xong ngày 22/11/2006 tại Tokyo



Phụ lục

Dưới đây là toàn văn bài trả lời phỏng vấn tác giả đọc lần đầu tiên vào ngày 13/11/2006 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội trước ống kính máy quay phim của đạo diễn điện ảnh Trần Văn Thủy và cameraman Nguyễn Sĩ Bằng với sự hiện diện của ông Nguyễn Lân Bình và một số khán giả xem triển lãm “13 tầm nhìn từ Nhật Bản”.


Nguyễn Đình Đăng

Tôi đã vẽ bức tranh “Sự ra đời của chữ Quốc ngữ (Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh)”
như thế nào?


Là một trong những người Việt Nam sống nhiều năm ở nước ngoài, tôi không khỏi trăn trở mỗi khi nghĩ đến sự tụt hậu của quê hương so với các nước có nền kinh tế và văn minh trên thế giới như Nhật Bản và Hoa Kỳ. Mỗi lần trăn trở như vậy, tôi lại thấy rất cảm phục những tiền bối đã sớm nhìn thấy gốc rễ sâu xa của mọi yếu kém của dân Việt nằm trong dân trí, và đã ra sức cống hiến tài năng và nhiệt huyết của mình để nâng cao dân trí của Việt Nam, cho dù tiếng nói của họ khi đó có thể chỉ là thiểu số, cho dù họ có thể bị đám đông xa lánh, hay bị đàn áp bởi cường quyền. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh là một bậc nhân như vậy của Việt
Nam.

Có thể nói người Việt Nam ta ngày nay đang dùng một thứ chữ viết mà nhờ nó họ đã hoà nhập được rất nhiều với nền văn minh phương Tây, thoát ra khỏi nền độc tài của văn hoá Trung Hoa, vốn có một lịch sử thống trị cả ngàn năm trên phần bắc của dải đất hình chữ S. Chữ Quốc ngữ được sáng tạo ra ở Việt Nam lúc đầu là nhờ công lao của các nhà truyền giáo Jesuit (dòng Tên) người Bồ Đào Nha và Pháp. Nó được đánh dấu chói sáng lần đầu tiên bằng sự xuất bản chính thức tại
Rome cuốn Từ điển Việt–La-Bồ của Alexandre de Rhodes (người Pháp) vào năm 1651. Từ đó cho đến khi vua Khải Định chính thức ra chỉ dụ bãi bỏ hoàn toàn chữ Nho vào năm 1919, thay thế bằng hệ thống trường Pháp - Việt, rồi đến quyết định ngày 18 tháng 9 năm 1924 của toàn quyền Đông Dương Merlin đưa chữ Quốc ngữ vào dạy tại 3 năm đầu cấp tiểu học, người Việt Nam đã trải qua 3 thế kỷ để cái mới của chữ Quốc ngữ và của nền văn minh phương Tây thắng cái hủ bại suy đồi của nền học vấn bám vào chữ Trung Quốc và Nho giáo. Trong cuộc đấu tranh gian khổ đó, vai trò của cụ Nguyễn Văn Vĩnh thật vô cùng lớn lao.

Xuất thân từ một gia đình nghèo, đông con, nhưng với tài năng và nghị lực phi thường của mình, ông Nguyễn Văn Vĩnh đã từ một thằng nhỏ kéo quạt cho một lớp đào tạo thông ngôn tại đình Yên Phụ, trở thành người đỗ đầu khoá học khi mới 14 tuổi (năm 1896). Từng là trợ lý đắc lực cho công sứ tỉnh Bắc Ninh, được Pháp cho sang thăm triển lãm Marseilles, ông Vĩnh có cả một tiền đồ với quyền cao chức trọng chờ đợi mình ở Đông Dương. Thế nhưng, kỹ nghệ in ấn và tự do báo chí ở Pháp đã mở cho người thanh niên 24 tuổi một con đường khác. Trở về Việt
Nam, ông Vĩnh đột ngột từ bỏ nghiệp quan chức và chuyển sang làm báo tự do. Tờ Đăng Cổ Tùng Báo do ông sáng lập năm 1907 khi ông mới 25 tuổi là tờ báo đầu tiên xuất bản bằng chữ Quốc ngữ tại Bắc Kỳ. Sáu năm sau ông ra tờ Đông Dương tạp chí với mục đích dạy dân Việt viết văn bằng chữ Quốc ngữ. Ông là người Việt Nam đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp, và dịch các áng văn chương của các đại văn hào Pháp như Corneille, La Fontaine, Hugo, v.v. sang tiếng Việt. Tuy không phải là người theo đạo, nhưng cũng như Chúa Jesus, ông Vĩnh đã vác thánh giá văn hoá đi trong suốt cuộc đời làm báo của ông. Và cũng như Đức Chúa đã hy sinh chịu bị đóng đinh trên thánh giá để cứu rỗi nhân loại lầm lỗi, ông Vĩnh cuối cùng đã chết năm 1936 trong một cuộc đi tìm vàng ở Nam Lào, sau khi toà soạn của ông vỡ nợ. Ông chết trong một con thuyền độc mộc trên một dòng sông ở Sepole, trong tay vẫn nắm chặt cây bút và cuốn sổ với bài viết cuối cùng của ông. Ông đã chết trong lao động, chết sau khi đã dốc toàn bộ sức lực của mình cho những gì mình say mê. Archimedes, Mozart, Chopin, Van Gogh, Gauguin, v.v. đều đã chết như vậy: gục trên các công thức, trên bản thảo, trên đàn piano, hay trước giá vẽ, v.v. Đó là cái chết của những nhân. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh quả là một nhân văn hoá của Việt Nam. Người ta mới hiểu lý do của phút im lặng trang nghiêm của hàng ngàn người Việt Nam trước ga Hàng Cỏ khi quan tài ông Vĩnh được đưa bằng xe lửa từ Lào về Hà Nội. Như tất cả những người dân ở các nước văn minh khác, người Việt Nam biết kính trọng những người có học, những đại trí thức, bởi họ hiểu tri thức là ngọn đèn duy nhất giúp cho họ khỏi đi lầm đường hoặc từ bỏ những con đường sai lạc.

Tôi được nghe bố tôi kể về cụ Vĩnh từ khi tôi còn rất bé, khi sách giáo khoa lịch sử của bộ giáo dục Việt Nam còn gọi cụ Vĩnh là bồi bút và Alexandre de Rhodes là gián điệp của Pháp. Năm cuối cùng ở phổ thông, tôi được làm học trò về toán của cháu ngoại cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Tôi đạt điểm cao trong kỳ thi vào đại học năm 1975 và vì thế được đi học ở nước ngoài. Cuộc đời tôi nhờ đó đã thay đổi hẳn. Tôi trở thành nhà vật lý và hoạ sĩ, được sống tại các nước văn minh, được mời thuyết trình tại các trường đại học danh tiếng tại Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á, được bày tranh tại các viện bảo tàng và galleries của Tokyo. Như vậy, tôi có thể nói, ngoài cái tinh hoa tôi được di truyền từ bố mẹ tôi, cũng là những trí thức Tây học, biết đâu tôi cũng đã có diễm phúc được hưởng một phần cái tinh thần của cụ Nguyễn Văn Vĩnh nhờ từng được làm học trò của cháu cụ!

Trong một dịp về thăm nhà vào năm 2000 tôi được đọc những tài liệu khá chi tiết về thân thế và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Vĩnh do con trai của cụ, ông Nguyễn Kỳ, bạn của bố mẹ tôi, sưu tầm. Câu chuyện đầy huyền thoại về cái chết của cụ Vĩnh làm tôi đặc biệt xúc động. Ngay lập tức tôi thấy lờ mờ hiện lên trước mắt bố cục. Quay trở lại
Tokyo, tôi bắt tay vào phác thảo bức tranh. Trong tranh, ông Vĩnh nằm dang tay theo phối cảnh như Chúa Jesus trong bức tranh “Chúa Jesus chết” của Andrea Mantegna (vẽ cách đây hơn 5 thế kỷ), tức là nhìn từ gót chân lên. Tôi vẽ ông lơ lửng giữa trời, một tay cầm bút, một tay cầm tờ giấy. Đằng sau ông, trên nền trời tối đen là Alexander de Rhodes mặc áo chùng màu trắng, màu của trí tuệ và trinh tiết, tay trái cầm thánh giá, tay phải đưa về phía trước như chỉ đường. Bên dưới là cảnh một dòng sông tối om với một con thuyền thúng nằm chỏng chơ trên bờ. Theo hình dung của tôi, xã hội Việt Nam lúc bấy giờ cũng âm u như một dòng sông đen, và văn hoá dân trí thì lênh đênh trôi dạt như một con thuyền không bến. Trong cái đêm đen ấy chữ Quốc ngữ như một nguồn ánh sáng mới thức tỉnh những con người trước đó còn đang bị u mê bởi nền Nho học giáo điều nhồi sọ. Theo tôi chữ Quốc ngữ là biểu tượng xuất sắc cho sự hoà hợp thành công hiếm hoi giữa phương Tây và phương Đông. Còn thì như Kippling đã nói: “Đông là Đông, Tây là Tây, và hai phương không bao giờ gặp nhau”. Số phận trớ trêu của lịch sử và địa lý đã đẩy dân tộc Việt Nam vào thế bị kẹt và phải hứng chịu mọi bi kịch của những cuộc đối đầu: đối đầu giữa hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ, đối đầu giữa phương Tây và phương Đông, đối đầu giữa hai hệ thống chính trị, v.v. Kết cục như thế nào thì chúng ta đã biết. Một trong những niềm an ủi, nếu không nói là tự hào, mà chúng ta nhận được sau những cuộc đụng độ ấy có lẽ là chữ Quốc ngữ.

Người mẫu cho cơ thể ông Vĩnh chính là tôi. Người mẫu cho phần cơ thể mặc áo chùng của Alexander de Rhodes là con trai của tôi. Để đảm bảo tính chính xác về chân dung, tôi đã dựa theo các chân dung cũ của Alexander de Rhodes tìm thấy trên internet để vẽ khuôn mặt và mũ của ông. Bức tranh “Sự ra đời của chữ Quốc ngữ (Cái chết siêu Việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh)” đã được tôi vẽ như vậy .

Theo hiểu biết của tôi, đây là bức tranh đầu tiên và cho đến giờ vẫn là duy nhất vẽ về Alexandre de Rhodes và cụ Nguyễn Văn Vĩnh như những danh nhân văn hoá trong việc phổ biến chữ Quốc ngữ. Cách đây 2 năm tôi nhận được thư của ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Ông Bình nói rằng ông và gia đình đã “rất xúc động” khi tình cờ xem bức tranh này trên trang web của tôi. Ông còn nói ông và gia đình “cảm nhận bức tranh này như một phần thưởng tinh thần to lớn với gia đình ông”. Dịp về Hà Nội triển lãm “13 tầm nhìn từ Nhật Bản” cùng với 12 nghệ sĩ Nhật Bản tại Nhà triển lãm mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam tại 16 Ngô Quyền Hà Nội từ 8 đến 14/11/2006, trùng với lần giỗ thứ 70 của cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Vì thế tôi đã mang bức tranh này về trưng bày để công chúng yêu nghệ thuật và các hoạ sĩ trong nước có thể thấy nguyên bản tác phẩm gốc, âu cũng là một dịp bày tỏ niềm kính trọng và ngưỡng mộ của tôi trước một vĩ nhân văn hoá, người đã góp phần rất lớn làm cho chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết của toàn dân Việt ngày hôm nay.

Viết xong ngày 17/10/2006 tại Tokyo

© 2006 talawas


[1]Xem quy định về miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế của Tổng cục Hải quan tại http://www.customs.gov.vn/Default.aspx?tabid=416#
[2]Xem Phụ lục
[3]Vi Văn Định: lãnh tụ đồng bào Thổ vùng Lạng Sơn giai đoạn 1945-1946