© www.talawas.org     |     về trang chính

 

 

Nghệ thuật

 

Mĩ thuật

 

27.6.2006

Nguyễn Đình Đăng

Cuộc triển lãm dài nhất của tôi

  1    2 

 

“Cái cớ duy nhất để làm ra một thứ vô dụng là vì ta ngưỡng mộ nó sâu sắc. Toàn bộ nghệ thuật là vô dụng.”
Oscar Wilde (1854 – 1900)



Đại văn hào Nga Lev Tolstoy từng viết rằng nghệ thuật là một trong những phương thức giao tiếp của con người với nhau [1] . Tôi cho rằng đó là một trong những phương thức giao tiếp có sức thuyết phục nhất.

Hồi còn là sinh viên ở Moskva, tôi thường ký họa chân dung những người xung quanh từ các bạn cùng học, các bà gác cổng ký túc xá đến các công nhân nhà máy, nơi tôi lao động kiếm thêm tiền trong kỳ nghỉ hè. Tất cả họ đều trở nên rất cởi mở với tôi chỉ sau 20 phút, khi nhìn thấy chân dung của mình hiện ra trên giấy.

Tôi thích làm các cuộc triển lãm tranh cá nhân một phần cũng vì thế. Đây là dịp chẳng những tôi “trình làng” được các tác phẩm mới nhất của mình, mà còn được hân hạnh tiếp xúc với những con người rất lý thú. Với hơn 30 năm vẽ tranh, tôi cũng đã có nhiều triển lãm cá nhân. Dài nhất trong số đó, tới 2 tháng, là triển lãm “Niềm vui sướng của trí tưởng tượng” [2] - nội dung chính của bài viết này.

*



Nước Nhật là một đất nước dân chủ thực sự. Quyền tự do biểu hiện được tôn trọng đặc biệt. Hiến pháp của Nhật nghiêm cấm kiểm duyệt [3] . Nhà nước không can thiệp vào văn học nghệ thuật. Vì thế không hề có bất cứ một cơ quan văn hóa tư tưởng nào được lập ra để “hành” các văn nghệ sĩ. Các hội văn học nghệ thuật của Nhật đều là tư nhân, nhiều như nấm sau mưa rào, và không hề hoạt động dưới sự lãnh đạo của bất cứ đảng phái chính trị hoặc cơ quan nhà nước nào. Triển lãm tranh, tượng, video-art, sắp đặt, trình diễn, biểu diễn nghệ thuật, hoà nhạc, xuất bản sách báo v.v. không hề phải xin phép ai hết. Chỉ sự thỏa thuận giữa văn nghệ sĩ với chủ gallery, nhà hát, nhà xuất bản là đủ.

Tokyo họa sĩ thường triển lãm tranh ở bảo tàng mỹ thuật, art galleries, và các nhà hàng (restaurant, quán café).

Nghề chơi cũng lắm công phu. Một số bảo tàng mỹ thuật lớn như Bảo tàng Mỹ thuật Trung ương Tokyo (Tokyo Metropolitan Art Museum) thường cho các hội mỹ thuật thuê phòng để làm triển lãm tập thể hàng năm, tiếng Nhật gọi là koboten. Những triển lãm này thường khá lớn, chiếm 2 – 3 tầng, mỗi tầng có diện tích sàn tới vài trăm m2. Triển lãm thường kéo dài hai tuần lễ, với hàng trăm bức tranh khổ lớn (khoảng từ 1.6m x 1m trở lên). Người tham dự phải nộp 150 – 200 USD lệ phí nếu không phải là hội viên. Số tiền này không được hoàn lại kể cả khi tranh không được chọn. Tranh của hội viên không cần phải qua tuyển chọn. Tranh của các tác giả chưa phải là hội viên phải được sự tuyển chọn của các hội viên. Không hề có hội đồng nghệ thuật cho những cuộc tuyển chọn như vậy, mà tất cả hội viên, khoảng 100 – 200 người, đều được quyền tham gia chọn tranh bằng cách giơ tay biểu quyết công khai. Hội viên không phải nộp lệ phí triển lãm vì đã phải đóng hội phí hàng năm gấp ba lần lệ phí. Không có hy vọng làm triển lãm cá nhân tại bảo tàng mỹ thuật trừ phi bạn là Picasso, Dalí, Jasper Jones, Jackson Pollock, hay … may mắn có tranh bán vài trăm ngàn USD tại nhà đấu giá Sotheby hoặc Christie.

Galleries mỹ thuật ở
Tokyo có hai loại: gallery cho thuê, gọi là kashi garo, và gallery theo kế hoạch, gọi là kikaku garo. Kashi garo là loại ai cũng có thể dùng được để triển lãm tranh của mình miễn là đủ tiền để thuê, thường là rất đắt, khoảng 300 – 600 USD/ngày cho khoảng 10 – 30 m2 tại khu Ginza tùy theo vị trí. Tác giả phải tự lo việc quảng cáo, tiếp thị, bán tranh, nhưng không phải nộp “phần trăm” cho chủ gallery. Kikaku garo chỉ tổ chức triển lãm cho các họa sĩ được mời. Người được mời không phải trả tiền thuê phòng, hoặc trả ít hơn nhiều so với kashi garo. Gallery lo mọi khoản quảng cáo, tiếp thị, bán tranh, và hưởng tới 70% tiền tranh bán được. Có nghĩa là bất cứ loại gallery nào cũng đều ra sức bóc lột họa sĩ. Chính vì vậy sau 2 – 3 lần triển lãm tại cả kashi và kikaku garo, tôi đã mất hứng thú đối với galleries tại Tokyo.

Lựa chọn còn lại là triển lãm cá nhân tại các nhà hàng.

*



Tôi làm triển lãm cá nhân lần đầu tiên tại Nhật vào tháng 10 năm 2001. Triển lãm được tổ chức tại phòng triển lãm của trung tâm văn hóa thành phố Wako - tỉnh Saitama [4] . Buổi khai mạc có khoảng 100 khách tới dự. Một người đàn ông đứng tuổi, ăn vận rất nghệ sĩ, tới gặp tôi và tự giới thiệu. Ông là một nhiếp ảnh gia gốc Hoa, quốc tịch
Canada. Tuy nhiều năm nay sống ở Tokyo, ông không nói tiếng Nhật, có lẽ ỉ vào tiếng Anh rất chuẩn của mình. Tôi đã làm quen với Benjamin Lee như vậy. Sau đó, tôi được biết ông là một nghệ sĩ khá nổi danh với các bức ảnh chân dung kích thước lớn chụp các nhân vật nổi tiếng, như bà đào Holywood Elizabeth Taylor, nữ minh tinh Trung Hoa Củng Lợi, kiến trúc sư Nhật Bản lừng danh Tadao Ando, nhà vật lý từng đoạt giải Nobel Leo Ezaki, v.v.

Cuộc sống ở Tokyo rất bận. Phải biết thu xếp thời gian khá xít xao mới xem được tất cả các triển lãm của các bạn bè nghệ sĩ của mình, vì chỉ đi từ nhà đến phòng tranh cũng đã mất từ 45 phút đến cả tiếng đồng hồ. Ngoài hứng thú nghệ thuật, đó cũng còn là tình bằng hữu. Các triển lãm của Lee thường lớn, hoành tráng, và được tài trợ lúc thì bởi Kodak, lúc thì bởi Japan Airlines, hoặc bởi đích thân ông trùm ikebana của Nhật (nay đã tạ thế). Mùa xuân năm 2004 tôi nhận được giấy mời đến triển lãm của Benjamin Lee tổ chức tại một nơi khá đặc biệt: nhà hàng Italia mang tên BiCE Tokyo. Nhà hàng này có nhiều cái nhất. Đó là một trong những nhà hàng sang trọng nhất và cũng… đắt nhất Tokyo (ăn tối ở đây ít nhất là 100 USD một người chưa kể đồ uống), nằm trên tầng cao gần… nhất, tầng thứ 47, của toà nhà 48 tầng Caretta Shiodome - trụ sở của Dentsu, một trong những hãng quảng cáo lớn nhất Nhật Bản. Tòa nhà này nằm trong quần thể cao ốc chọc trời Shiodome, một trong những khu cao ốc mới nhất của Tokyo. Khu này lại nằm trong
Ginza – một trong những trung tâm “xịn” và có tiếng là đắt đỏ nhất… thế giới.

Toà nhà Dentsu, Tokyo

Sau khi bước vào bên trong tòa nhà Dentsu, khách đi thang máy thẳng lên sky restaurants (nhà hàng trên trời) tại tầng 46 và 47. Thang chạy theo một đường ống bọc kính, từ trong có thể nhìn rõ toàn bộ quang cảnh thành phố, các toà nhà đang tụt xuống phía dưới theo tốc độ đi lên vùn vụt của thang máy. Lên đến tầng thứ 47 khách có cảm giác như đang ở trên đỉnh của thế giới. Tôi nhớ đến cái lần trèo lên nóc tòa tháp đôi ở New York và nhìn thấy dòng chữ “The top of the world” (Đỉnh của thế giới). Tiếc thay cái đỉnh đó bây giờ chỉ còn trên tấm hình chụp chuyến đi New York của tôi.

BiCE (phát âm: bi-che) là cách gọi thân mật tên bà Beatrice Ruggeri - người đã sáng lập ra BiCE restaurant vào năm 1926. Đầu tiên đó chỉ là một quán ăn nhỏ ở Milano nơi bà Beatrice trổ tài nấu nướng của mình thết đãi bạn bè. Bà và các anh chị em của mình tự tay bưng bê phục vụ thực khách. Ngày nay BiCE là một tập đoàn với các nhà hàng sang trọng tại 22 thành phố lớn ở Bắc Mỹ, Mỹ La tinh, châu Âu, châu Á và Trung Đông. BiCE Tokyo được mở 14 năm trước nhưng ở một địa điểm khác. Cách đây 4 năm, ngay sau khi khu Shiodome được khánh thành, nhà hàng chuyển đến Caretta Shiodome. Nhà hàng có 130 chỗ ngồi và một đội ngũ khoảng 40 nhân viên phục vụ, toàn các nam thanh nữ tú, nói được ít nhất 2 thứ tiếng Nhật và Anh. Giám đốc điều hành của BiCE Tokyo, Angelo Visigalli (ngoài 30 tuổi) và 4 đầu bếp, cũng trạc tuổi anh ta, là người Milano chính hiệu. Vì thế bầu không khí ở BiCE Tokyo rất đặc biệt: vừa tôn ti trật tự kiểu Nhật lại vừa vui vẻ tài tử kiểu Ý, nhưng tựu chung đều rất lịch sự và cao cấp. Dưới đây chỉ là một số tiểu tiết:

  • Các khăn trải bản đều được hồ, là ủi phẳng phiu và thay mới mỗi khi khách đến;
  • Các món đồ ăn được trình bày rất đẹp đựng trong những chiếc đĩa rộng, món kế tiếp được người phục vụ đem đến đúng vào lúc khách đã dùng xong món trước đó;
  • Những người phục vụ đứng từ xa quan sát để nếu khách cần gì là tiến tới phục vụ ngay. Tất cả, từ giám đốc điều hành đến đầu bếp và các nhân viên phục vụ, đều vui vẻ trả lời bất cứ câu hỏi gì của thực khách. Không thấy họ nhăn nhó hoặc tỏ thái độ ngao ngán trước mặt khách bao giờ, cho dù đó là buổi đông khách hoặc vắng khách.
  • Khi một nhóm nhiều khách đi ăn cùng nhau, nhưng thanh toán tiền riêng, mỗi người nhận được một hóa đơn đúng chỗ ngồi của mình mà không hề bị nhầm lẫn hóa đơn người này sang chỗ người kia.

Ngoài chất lượng phục vụ cao cấp, đồ ăn xứ Milan thứ thiệt, thực phẩm, rượu vang được nhập từ Italia, BiCE Tokyo còn nổi tiếng và đắt khách vì vị trí rất đặc biệt của nhà hàng này: cao 200 m cách mặt đất. Từ chỗ ngồi ăn trong nhà hàng, thực khách có thể nhìn qua cửa kính xuống toàn bộ quang cảnh phần quay ra vịnh của thành phố Tokyo. Những đêm hè tháng Bảy khi Tokyo mở hội bắn pháo hoa, đây là chỗ lý tưởng để vừa ăn vừa ngắm. Lúc đó giá ăn tối ở BiCE Tokyo tăng gấp ba lần. Đã thế còn phải đặt trước mới có chỗ.

Italia nổi tiếng hoàn cầu không chỉ vì có đồ ăn ngon, phong cảnh đẹp, mà có lẽ trước hết đó là một đất nước của nghệ thuật. Người Italia từ khi lọt lòng, được bế đến nhà thờ làm lễ rửa tội, đã được bao bọc bởi nghệ thuật vì mỗi nhà thờ ở Italia thực sự là một bảo tàng mỹ thuật với nhiều bích họa cổ trên tường, đồng thời còn là một phòng hòa nhạc với tiếng nhạc du duơng âm u của đại phong cầm và lời hát mê hồn từ dàn đồng ca. Có lẽ cũng vì vậy mà cách đây 2 năm, Angelo Visigalli đã đi đến quyết định biến các bức tường cao 4 m và không gian tràn trề ánh sáng của nhà hàng BiCE Tokyo thành một nơi trưng bày tác phẩm hội họa, điêu khắc và nhiếp ảnh của các nghệ sĩ hiện nay. Phần tường dùng để treo tranh tại nhà hàng có chiều dài tổng cộng tới hơn 60 m. BiCE Tokyo vốn đã hấp dẫn nay lại càng hấp dẫn hơn.

Khi Benjamin Lee giới thiệu tôi với Angelo tại BiCE
Tokyo, tôi hỏi dựa vào tiêu chuẩn nào anh lựa chọn nghệ sĩ để mời trưng bày tại BiCE.

“Tiêu chuẩn duy nhất: đó là những tác phẩm mà tôi thích!” – Anh ta trả lời.

Các chi tiết tiếp theo lại còn thú vị hơn. Một khi Angelo Visigalli đồng ý mời một nghệ sĩ triển lãm tại BiCE, nhà hàng không thu bất cứ một khoản tiền nào từ nghệ sĩ, và cũng không lấy bất cứ phần trăm nào từ tiền bán tác phẩm. Hơn nữa nhà hàng còn

  • chi phí in ấn toàn bộ thiếp mời, và poster quảng cáo triển lãm;
  • chi phí và tổ chức tiệc khai mạc;
  • bao ăn trưa hoặc ăn tối cho 15 khách mời của tác giả. Ngoài 15 khách này, các khách của tác giả đến xem triển lãm được ăn trưa với giá ưu tiên, tức là rẻ hơn giá chính thức;
  • phục vụ đồ uống (các loại cà-phê, rượu, cocktail, v.v.) miễn phí cho khách đến xem triển lãm;

Lẽ dĩ nhiên, tác giả (và đôi khi cả vợ con) luôn là khách của nhà hàng, tức là được ăn uống miễn phí trong thời gian triển lãm.

Khi tôi đưa cho Angelo xem cuốn vựng tập “Niềm vui sướng của trí tưởng tượng” in 28 bức tranh sơn dầu của tôi, anh ta vừa lật mấy trang liếc qua đã lập tức thốt lên:

“Đây chính là cái tôi thích!”

Mọi việc tiếp theo diễn ra trôi chảy. Chúng tôi lên kế hoạch triển lãm cá nhân tranh của tôi tại BiCE bắt đầu vào tháng 10 năm 2005. Theo thông lệ của BiCE Tokyo, triển lãm kéo dài 2 tháng. Treo tranh gì và gọi tên tranh như thế nào hoàn toàn do tôi quyết định. Angelo chỉ lưu ý tôi treo những bức “nhạy cảm”… xa xa bàn ăn để đề phòng “nhỡ quý bà nào đi cùng cô con gái nhỏ - đến để ăn chứ không phải để xem tranh - phản ứng”. Với thái độ tôn trọng nghệ sĩ của một người hiểu biết, anh ta đưa ra đề xuất này khá rụt rè, sau khi đã rào trước đón sau. Còn tôi, người vốn đã từng bị buộc phải xóa chi tiết trong một bức họa của mình, và đổi tên gọi một bức họa khác để được treo (ở Hà Nội), dĩ nhiên dễ dàng chấp nhận yêu cầu của Angelo.

*



Hai hôm trước ngày khai mạc tôi thuê hãng ToBi (Tokyo Bijutsu = Mỹ thuật
Tokyo) vận chuyển tranh tới BiCE Tokyo trước khi nhà hàng mở cửa 2 tiếng. Angelo và 3 cộng sự đích thân bắc thang treo tranh theo sơ đồ tôi đã vẽ sẵn. Anh ta tỏ ra có “bon goût” (khiếu thẩm mỹ) sau khi khuyên tôi hoán vị hai bức do điều kiện không gian bao quanh. Sau chưa đầy 2 tiếng đồng hồ vừa làm việc vừa hát những bài ca Italia, họ đã treo xong toàn bộ 22 bức sơn dầu trong đó có những bức kích thước một chiều từ 1.6m đến gần 2 m.

Triển lãm “Niềm vui của trí tưởng tượng” khai mạc chiều ngày 8 tháng 10 năm 2006. Đây không phải là tiệc khai mạc đông nhất trong các triển lãm cá nhân của tôi, nhưng có lẽ đẹp và sang trọng nhất. Khách dự tiệc khai mạc được an tọa tại các bàn 4 chỗ ngồi kê sát cửa kính nhìn xuống vịnh. Hôm đó thời tiết cũng tốt. Lúc bắt đầu trời quang đãng, nên từ trên cao có thể thấy rõ toàn phong cảnh vịnh
Tokyo. Khi kết thúc là lúc mặt trời đã lặn, thành phố Tokyo lung linh ánh đèn hiện ra bên duới. Tiệc được bày theo kiểu canapé gồm một số loại bánh mặn, bánh ngọt do nhà hàng tự chế, rượu vang và sâm-banh.

Bạn bè của tôi có một số họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, đồng nghiệp cùng làm trong viện nghiên cứu vật lý và hóa học Nhật Bản (RIKEN). Các nguyên mẫu trong tranh của tôi là vợ, con trai tôi, và cô bạn gái của nó, tất nhiên cũng tới dự. Con trai tôi còn làm luôn nhiệm vụ phiên dịch lời phát biểu của tôi từ tiếng Anh sang tiếng Nhật vì trong số khách khứa chỉ có một số là hiểu được cả 2 thứ tiếng nói trên. Ngoài các bạn của mình, tôi được làm quen với một số khách mới. Đó là cô người mẫu cao 1m82 người Brazil bạn của Benjamin, một nhà buôn tranh người Do Thái có biệt hiệu Johnnie Walker [5] , hai họa sĩ trẻ người Pháp vừa chân ướt chân ráo tới Tokyo, vợ chồng tham tán khoa học kỹ thuật của Đại sứ quán Italia, mấy phụ nữ kiều diễm người Nhật và Trung quốc mà thiếu họ các cuộc hội hè như thế này chắc hẳn kém phần hấp dẫn, v.v. Một số khách Nhật của tôi, do bận không tới được, đã chu đáo gửi hoa đến tiệc khai mạc. Cũng như các tặng phẩm khác, ở Nhật người ta đặt hoa mừng ở các cửa hiệu hoa. Các bó hoa, hoặc lẵng hoa được làm theo kiểu dáng riêng, có tên gọi ý nghĩa riêng, như hoa đám cưới, hoa đám ma, hoa mừng sinh nhật, hoa khai mạc triển lãm, v.v. Sau đó, nếu khách hàng vì lý do gì đó mà không đến dự tiệc được, cửa hiệu hoa sẽ đưa hoa đến đúng địa chỉ, đúng giờ theo yêu cầu của khách hàng. Có lần một người bạn Nhật mời gia đình tôi đến nhà ông chơi. Ông ta đặt bia từ một nơi sản xuất nổi tiếng ở thành phố khác, xa
Tokyo, và yêu cầu họ gửi đến vào giờ ăn trưa. Lúc chúng tôi bắt đầu ăn, có tiếng chuông cửa. Một người đưa hàng mang vào một cái thùng nhỏ chứa các hộp bia ướp lạnh, khi mở thùng ra hơi lạnh vẫn còn bốc lên.

Trong lời phát biểu tại tiệc khai mạc tôi nói rằng triển lãm này là kết quả của một sự hợp tác quốc tế: “Quý vị đang thưởng thức tranh do một người Việt Nam vẽ, treo trên tường của một nhà hàng sang trọng nhất của Italia, ngự trên đỉnh của Tokyo”, rằng tôi có may mắn trong đời được gặp “nhiều quý nhân phù trợ”, như Benjamin Lee đã cho tôi biết về BiCE Tokyo, và Angelo Visigalli đã tài trợ và tổ chức triển lãm. Sau đó ông Seki - một người bạn già lâu năm của tôi ở RIKEN – lên tiếng. Ông nói về cảm xúc của ông khi xem bức tranh “Đại dương mùa đông” [6] của tôi. Sự am hiểu nghệ thuật của ông cùng với những gì ông đã trải nghiệm sau chuyến đi Việt Nam cách đây vài năm, và tình cảm của ông đối với tôi đã khiến diễn từ của ông đặc biệt xúc động. Trong lời kết, ông nói: “Ông Đăng, tôi hy vọng ông sẽ tiếp tục đào nền móng mới theo cách chỉ riêng ông mới làm được, như ông đã từng làm với tư cách một nhà vật lý hạt nhân và một nghệ sĩ trong cái thế giới của riêng ông - cái thế giới khác cả Salvador Dalí [7] hoặc Vermeer [8] - thế giới của Nguyễn Đình Đăng.


© 2006 talawas


[1]Leo N. Tolstoy, “What is Art?” (McMillan, New York, 1960). Xem tóm tắt tiếng Việt trong Nguyễn Đình Đăng “Nghệ thuật là gì?”, phần Phụ lục, talawas ngày 12/1/2006:
http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=6249&rb=0202
[2]Solo show at BiCE Tokyo (9/10 – 9/12/2005):
http://ribf.riken.go.jp/~dang/BiCE/BiCEshow.html

[3]Hiến pháp Nhật Bản, Điều 21: http://www.solon.org/Constitutions/Japan/English/english-Constitution.html
[4]Xem http://ribf.riken.go.jp/~dang/solo.html
[5]Tên một loại rượu whisky ra đời năm 1932.
[6]Xem ảnh chụp tại: http://ribf.riken.go.jp/~dang/paintings/winterocean.html
[7]Salvador Dalí (1904 – 1989) – danh họa Tây ban nha, được coi là đại diện sáng giá nhất của hội họa siêu thực.
[8]Jan Vermeer de Delft (1632 – 1675) – danh họa Hà Lan, cả cuộc đời chỉ vẽ 35 – 36 bức sơn dầu, nhưng đó là những tác phẩm được xếp vào hàng kiệt tác của hội họa châu Âu.