Tôi không quan tâm tới việc người ta gọi tranh tôi là gì

 

Nguyễn Đình Đăng trả lời phỏng vấn qua điện thoại của Mặc Lâm từ đài Radio Free Asia (RFA) tối 21/10/2010.

 

Sinh năm 1958 tại Hà Nội, TS Vật lý Nguyễn Đình Đăng hiện đang làm việc tại Phòng Vật lý Hạt nhân Ion Nặng thuộc viện RIKEN, một viện nghiên cứu hàng đầu Nhật Bản về công nghệ gia tốc.

Là người mê nghệ thuật từ nhỏ, khi sang Nga du học ông cảm thấy bị phần đất này chinh phục hoàn toàn bởi lòng đam mê nghệ thuật cũng như cung cách tôn trọng các nghệ sĩ của người dân xứ này.

Sau khi hoàn tất bằng tiến sĩ khoa học ở Nga, ông về nước làm việc tại Viện Kỹ thuật và Khoa học Hạt nhân năm 1990. Bốn năm sau, ông nhận lời sang làm việc tại Viện RIKEN.

Ngoài lĩnh vực chuyên ngành, ông có biệt tài vẽ tranh do tự học. Tuy mang tiếng là tự học nhưng Nguyễn Đình Đăng rất nghiêm túc trong quá trình nghiên cứu và sáng tác. Ông chuyên vẽ tranh sơn dầu trên bố và đã có nhiều cuộc triển lãm tranh lớn tại nhiều nước, bao gồm: Việt Nam, Nga, Nhật Bản và Ý… Ông giành được nhiều giải thưởng uy tín về nghệ thuật ở cả Nhật và Việt Nam.

Chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà vật lý – họa sĩ Nguyễn Đình Đăng xoay chung quanh việc sáng tác của ông sau đây, trước tiên ông cho biết:

Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng: Tôi sang Nga không phải chỉ để học vật lý mà nước Nga đã mở một cánh cửa vào một thế giới hoàn toàn mới của nghệ thuật và âm nhạc cổ điển. Thực sự người Nga họ có trình độ thưởng thức mỹ thuật và âm nhạc rất cao. Thái độ, văn hóa của họ rất trân trọng đối với người làm nghệ thuật. Lúc mới sang tôi thấy một sự khác biệt rất lớn và lúc đó tôi đã dành tất cả thời gian rỗi như nghỉ đông hoặc nghỉ hè (ở Nga thời sinh viên chúng tôi được nghỉ đông còn nghỉ hè thì thời gian dài hơn) để vẽ.

Rất nhiều họa sĩ có tâm trạng như chắt lấy máu của mình ra khi sáng tác, ông có bao giờ cảm thấy như vậy hay không?

Không phải là chỉ đơn thuần “có tâm trạng”, mà thậm chí nghe nói đã từng có một hoạ sĩ danh tiếng Việt Nam chắt lấy máu của mình để vẽ tranh. Rất tiếc bản gốc của bức tranh vẽ bằng máu này nay đã bị hỏng. Bây giờ chỉ còn bản chép lại, nhưng không phải bằng máu mà bằng … màu hoà với nước lã.

Tôi là người huyết áp thấp, chỉ cần mất một ít máu là đủ xây xẩm mặt mày. Tôi rất sợ phải trích máu để thử trong các lần khám sức khoẻ hàng năm ở Nhật. Mặc dù lần nào cũng được các nữ y tá người Nhật trích máu rất nhẹ nhàng, lịch sự, hầu như không đau, nhưng bao giờ tôi cũng ngoảnh mặt đi để khỏi nhìn thấy máu mình chảy vào ống nghiệm.

Rất may là tôi không có tâm trạng như chắt lấy máu của mình khi vẽ, bởi nếu có chắc tôi đã không thể vẽ vời gì được. Song tôi thường không thấy mệt mỏi trong khi tập trung vẽ. Chỉ khi nào kết thúc một sceance, lúc 2 – 3 giờ sáng thì lúc đó tôi mới cảm thấy mệt thực sự. Theo quan sát của tôi, khi nào nghệ sĩ càng đạt tới gần trạng thái quên mình hoàn toàn trong quá trình sáng tác, hay biểu diễn thì khi đó tác phẩm hay buổi trình tấu mới càng đạt tới gần đỉnh cao của sự truyền cảm. Nếu vẫn còn yêu mình, nghĩ đến mình nhiều trong khi vẽ hay chơi đàn thì đỉnh cao đó vẫn còn xa vời.

Là một tiến sĩ vật lý ông có cảm thấy các định luật khô cứng ảnh hưởng đường nét hay màu sắc trong tác phẩm của mình hay không?

Các định luật vật lý không hề khô cứng. Thành thực mà nói, hiếm khi tôi có một cảm giác thẩm mỹ về chúng. Tôi chỉ thấy sung sướng khi mình đang làm ra một điều gì đó hấp dẫn trong khi áp dụng các định luật đó. Khác với hội hoạ, kết quả của vật lý đẹp không đơn thuần chỉ vì nó đẹp mà vì nó phản ánh chân lý. Còn khi vẽ, tôi tập cho mình thói quen cắt mọi ý nghĩ tới vật lý. Chắc nó vẫn có ảnh hưởng ngầm trong tiềm thức, song đó là điều tôi không tự cảm nhận được.

Ông đang sáng tác theo trường phái nào? Siêu thực hay Huyền ảo? Và tại sao ông lại chọn khuynh hướng này?

Tôi không có chủ ý đi theo bất cứ khuynh hướng nào. Người này gọi tranh tôi là “siêu thực”, người kia bảo là “huyền ảo”. Năm ngoái tác giả Gerhard Habarta có xuất bản một “Cuốn từ điển các hoạ sĩ huyền ảo” tại Đức, dày gần 500 trang, trong đó có nói đến tôi tại trang 117. Có người không ưa tranh tôi thì bảo tranh tôi chẳng “siêu” mà cũng chẳng “thực”. Cách đây vài hôm, một ông người Mỹ từ Hoa Kỳ đã gửi vài email cho tôi nói rằng ông ta vốn là đồ đệ của đại danh hoạ siêu thực Salvador Dalí vào những năm 1970. Ông ta đã xem tranh của tôi trên internet và rất kinh ngạc. Ông ấy muốn mua 1 – 2 bức tranh của tôi, muốn hiểu biết thêm về kỹ thuật vẽ của tôi, thậm chí còn muốn kết bạn lâu dài với tôi nữa. Theo ông ấy thì tôi không phải là hoạ sĩ siêu thực, rằng tranh của tôi, trừ một số chi tiết tương tự như trong tranh của Dalí, có một hướng đi độc đáo riêng, rằng đó là khuynh hướng “hiện thực của một cách nhìn kết hợp nghệ thuật và khoa học”. Không biết nhận xét cùa một người từng làm việc nhiều năm với Salvador Dalí và bản thân cũng là một hoạ sĩ siêu thực như ông ta có làm thất vọng những người từng “tặng” tôi “danh hiệu Salvador Dalí Việt Nam” hay không, song, nói chung, tôi không quan tâm tới việc người ta gọi tranh tôi là gì.

Có ý kiến cho rằng tranh của ông nhuốm màu lạnh nhiều hơn màu nóng, kể cả khi ông vẽ về sa mạc, ông có đồng ý với nhận xét này hay không?

Tôi không nghĩ rằng việc tôi trả lời “đồng ý” hay “không đồng ý” có một ý nghĩa gì ở đây. Nhưng nếu xem tất cả các tranh tôi đã vẽ từ 1986 tới giờ, hiện đăng trên trang web của tôi, thì có thể thấy sự thay đổi trong hội hoạ cuả tôi. Những tranh vẽ cách đây 15 – 20 năm có tông màu chung ấm hơn. Không rõ cuộc sống tự do, hoà bình, an toàn của tôi hiện nay tại đất nước mặt trời mọc, mà một người bạn của tôi gọi là “thiên đường tại hạ giới”, có ảnh hưởng thế nào tới sự thay đổi ấy. Khi vẽ, một trong những điều tôi đặc biệt quan tâm là việc chế ngự cảm xúc để đạt được điều mình muốn một cách tự nhiên nhất. Nghe tưởng như mâu thuẫn, song đó là một trong những điều khó nhất của nghệ thuật. Tôi nghĩ rằng, văn nghệ sĩ không được phép để cảm xúc của mình lấn át cái Chân, bởi nếu không có Chân thì sẽ chẳng có cả Thiện lẫn Mỹ.

Theo ông sự tự do tuyệt đối trong sáng tác có phải là tiêu chí đầu tiên của người cầm bút/cọ hay không, và điều gì xảy ra nếu họ bị rào cản nhân danh đạo đức hay văn hóa chặn lại?

Tự Do tuyệt đối không phải là tiêu chuẩn của sáng tạo mà là điều kiện cần để có được những sáng tạo thực sự có giá trị. Albert Einstein từng nói: “Tất cả những gì thực sự vĩ đại và truyền cảm đều được sáng tạo ra bởi cá nhân lao động trong Tự Do.”

Tuy rằng nghệ thuật là do con người sáng tạo ra, song nghệ thuật là cái gì đ̣ó cao hơn cả chính người sáng tạo ra nó. Nó như cái linh của vũ trụ nhập vào một cá nhân, cái thần khí mà Tạo Hoá gửi gắm vào người nào đủ khả năng nhận được nó, để rồi sau khi tài năng này sáng tạo nên tác phẩm nghệ thuật, cái thần khí đó như thoát ra, tác động tới người thường ngoạn. Tiếc rằng trong lịch sử nhân loại, rất nhiều người đã không hiểu được cái linh đó của nghệ thuật. Họ dùng nghệ thuật như một thứ công cụ để phục vụ các mục đích hữu hạn ích kỷ và tầm thường của mình. Họ nhân danh nhiều thứ nhăng nhít, kể cả viện dẫn đạo đức và văn hoá mà đến bản thân họ cũng thiếu, để hù doạ hay đàn áp những người sáng tạo nên nghệ thuật. Khi điều đó xảy ra, đó là bi kịch cho các cá nhân nghệ sĩ nói riêng và thảm hoạ cho văn hoá nghệ thuật nói chung. Khi đó nghệ sĩ buộc phải lựa chọn. Một số người say sưa như lên đồng, đem tài năng và tâm huyết của mình ra tô vẽ cho bạo quyền, cho tiền bạc và danh vọng. Một số người khác vẫn đeo đuổi tiếng gọi của Nghệ Thuật tuyệt đối và hậu quả là đã phải hứng chịu bao tai họa giáng xuống họ, từ bị sỉ nhục, bị mất việc, đến bị cầm tù, bị ̣ hành hạ về thể xác. Nhiều người khác chịu cúi đầu thoả hiệp để yên phận, để tồn tại và nếu có thể thì sáng tác nên những tác phẩm gượng gạo, giả tạo. Nhiều người khác nữa rũ áo, bỏ quê hương ra đi, tới những xứ sở tôn trọng tự do biểu hiện với hy vọng sẽ đạt tới Chén Thánh. Tóm lại có nhiều cách lựa chọn: tự nguyện, hay bắt buộc, hay tự nguyện bắt buộc (volontariat forcé). Nhưng, nghệ thuật đứng trên tất cả những cái đó. Như văn hào Alexandr Soljenitsyn từng nói trong diễn từ nhận giải Nobel văn chương năm 1972 cuả mình: “Mặc cho mọi dày vò của chúng ta, Nghệ thuật vẫn không bị vấy bẩn, vẫn không vì thế mà đánh mất đi nguồn gốc của mình, vẫn luôn luôn, và trong mọi cách chúng ta dùng nó, rọi chiếu lên chúng ta một phần cái ánh sáng bí mật bên trong của nó. Nghệ thuật hé mở cho chúng ta, tuy lờ mờ, tuy ngắn ngủi, những điều không thể nào đạt được bằng lý trí. Như chiếc gương thần trong truyện cổ tích, nhìn vào nó ta không thấy chính mình mà chợt thấy một khoảnh khắc ta chẳng khi nào đạt tới, phóng tới, bay tới được. Và chỉ có tâm hồn đang thổn thức.”

Xin ông một câu hỏi ngắn nữa trước khi chúng ta tạm chia tay, anh nghĩ thế nào về thế hệ họa sĩ trẻ hiện nay tại Việt Nam? Anh có kỳ vọng gì về họ?

Tôi thấy ở các họa sĩ trẻ Việt Nam nhiều người có nhiệt tình và có tài nữa. Họ đang thử nghiệm nhiều hướng khác nhau, kể cả hội họa truyền thống hay những điều bây giờ ta gọi là hội họa đương đại, hoặc nghệ thuật đương đại. Họ không vẽ nhưng họ làm nghệ thuật trình diễn hay video art v.v.

Tôi thấy tất cả những cái đó rất đáng khuyến khích. Phải có sự phát triển tự do như vậy thì mới hy vọng được một cái gì đó giá trị. Tất nhiên bên cạnh những hoạt động đó người nghệ sĩ phải sinh sống, phải kiếm sống, do đó vẫn có các mảng tranh thị trường, tranh tại gallery bán cho khách du lịch hay tranh sản xuất hàng loạt.

Có nhiều người trẻ muốn học hỏi. Chẳng hạn như đầu năm 2009 vừa rồi tôi được mời về Đại học Mỹ Thuật Yết Kiêu, tức Đại học Mỹ Thuật Việt Nam để giảng một bài về kỹ thuật vẽ sơn dầu. Nhiều sinh viên trẻ đến nghe đến nỗi trong hội trường không đủ ghế, nên họ phải đứng để nghe. Họ nghe liền hai tiếng rưỡi – gần ba tiếng đồng hồ, không có người nào bỏ đi cả. Tôi thấy điều ấy thể hiện lòng ham học hỏi của họ. Họ nói có những điều mà họ rất muốn biết mà chẳng có ai dạy.

Tôi nghĩ rằng các hoạt động mỹ thuật trong nước hiện nay của các họa sĩ trẻ có nhiều yếu tố tích cực về phương diện mỹ thuật.

Xin cám ơn ông. Quý vị vừa theo dõi cuộc trao đổi giữa chúng tôi với nhà vật lý, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng, hy vọng cuộc nói chuyện sẽ giúp quý vị thư giãn trong một khoảng thời gian nào đó và chúng tôi cũng mong rằng sẽ có cơ hội để tiếp tục trao đổi với ông về những chủ đề hội họa trong một dịp khác. Quý vị cũng có thể thưởng thức tranh của ông trên trang nhà của RFA qua slide show Nguyễn Đình Đăng. Xin cám ơn quý vị.